Báo Đồng Nai điện tử
En

Biển đảo trên hàng hóa, tại sao không?

10:09, 08/09/2014

Một cuộc thể nghiệm dễ thương đã thành công vang dội trong mùa Trung thu 2014, khi các hình ảnh, biểu tượng về tình yêu biển đảo Việt Nam tràn ngập trên các mẫu lồng đèn và một số loại đồ chơi trung thu khác.

Một cuộc thể nghiệm dễ thương đã thành công vang dội trong mùa Trung thu 2014, khi các hình ảnh, biểu tượng về tình yêu biển đảo Việt Nam tràn ngập trên các mẫu lồng đèn và một số loại đồ chơi trung thu khác. Dọc các tuyến đường, không cần tinh ý lắm, nhiều người đã thấy khác với mọi năm, lồng đèn Việt Nam đã quay lại chiếm lĩnh thị trường với nhiều mẫu mã mới lạ, bắt mắt, có tính truyền thống cao. Và đặc biệt, những hình ảnh, biểu tượng về chủ đề biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được nhà sản xuất “hóa thân” một cách thông minh vào hàng hóa. Hàng chục mẫu đèn có hình các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hình ngư dân, các chú cảnh sát biển, cảnh vật biển đảo… kèm những thông điệp rõ ràng, ngắn gọn, như: “Em yêu biển đảo quê hương”, “Bé hướng về biển đảo”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Em yêu chú bộ hải quân Việt Nam”… xuất hiện nhiều nơi.

Không chỉ đèn trung thu, một số mặt hàng dành cho trẻ em và giới trẻ, như: áo thun, ba lô, túi xách… cũng đã có nhiều mặt hàng “manh nha” lồng ghép các biểu tượng liên quan đến tình yêu biển đảo Việt Nam và bước đầu được thị trường đón nhận. Một số mẫu giấy bao, bìa tập vở và đồ dùng học tập cho học sinh cũng có những hình ảnh tương tự.

Có thể điều này chỉ đơn giản xuất phát từ sự thức thời của nhà sản xuất, song sự tình cờ (nếu có) này đã chạm đúng những phần sâu xa hơn ẩn trong sự lựa chọn hàng hóa ở những đối tượng họ hướng đến: trẻ em và giới trẻ. Sử dụng hàng hóa có biểu tượng truyền thống hoặc thời sự hơn, tình yêu và sự khẳng định chủ quyền biển đảo là hình thức giáo dục tốt cho trẻ em, bên cạnh những xu hướng quen thuộc khác trong lựa chọn hàng hóa, bao gồm hình siêu nhân, hình các nhân vật hoạt hình đã được Hollywood hay các nhà sản xuất nước ngoài khôn ngoan định hình hàng chục năm qua. Thích và sử dụng những mặt hàng có biểu tượng quốc gia, cũng góp phần vào nhận thức yêu nước, yêu hàng Việt mà nhiều nhà sản xuất Việt Nam mong muốn ở người tiêu dùng Việt. Hình thức này không mới lạ ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác, song trước nay chỉ mới chú trọng ở những mặt hàng dành cho khách du lịch mà chưa mở rộng cho người tiêu dùng đại chúng.

Muốn khai thác sâu, có lẽ cũng cần tập trung cao hơn về chất lượng cho công tác thiết kế, in ấn, sáng tạo... vì những hình ảnh trên muốn mang tính thương mại rộng rãi cần một sự đầu tư chuyên nghiệp hơn. Các hình ảnh cũng cần được đăng ký bản quyền và quản lý chặt hơn về nội dung để tránh tác dụng ngược. Hiện tại, sự đón nhận của thị trường còn khá mới mẻ và cũng chưa kết luận gì được nhiều vì các hình ảnh và biểu trưng về biển đảo cũng chỉ mới dừng lại ở một số mặt hàng nhất định, còn khá đơn giản. Tuy nhiên, cũng là ý tưởng nên được xem xét một cách nghiêm túc từ phía nhà sản xuất, khi muốn khơi dậy sự ủng hộ hàng hóa trong nước của người tiêu dùng Việt Nam - được xem như một lợi thế lớn trong quá trình cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều