Internet quá phổ biến nên mỗi ngày, người tiêu dùng nhận được không biết bao nhiêu là thông tin về nông sản, thực phẩm, hàng hóa… "bẩn" thông qua các trang báo mạng, trang thông tin của doanh nghiệp, mạng xã hội hay các trang web cá nhân…
Internet quá phổ biến nên mỗi ngày, người tiêu dùng nhận được không biết bao nhiêu là thông tin về nông sản, thực phẩm, hàng hóa… “bẩn” thông qua các trang báo mạng, trang thông tin của doanh nghiệp, mạng xã hội hay các trang web cá nhân… Những thông tin dạng: “đỉa trong áo ngực”, “ăn cá sống bị sán dây khắp người”, “toàn bộ táo, lê Mỹ hay châu Âu thực chất đều nhập từ Trung Quốc”, “trong nước uống/thức ăn của hãng A, hãng B có chuột chết, có chất độc, thậm chí có máu người”… đã hù dọa không ít người tiêu dùng “yếu bóng vía”. Mục đích của những thông tin trên khá đa dạng: muốn cảnh báo có, hạ thấp uy tín đối thủ có, thậm chí đơn giản chỉ là “câu view” hay “câu like” trên các trang cá nhân hoặc các diễn đàn.
Vấn đề là những người tiếp nhận thông tin không có điều kiện để kiểm chứng độ xác thực của những thông tin, hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng, từ đó sinh ra nghi ngờ, ám ảnh hoặc tẩy chay sản phẩm “cho chắc cú”. Sự lộn xộn của những thông tin cảnh báo dạng này cũng dễ dàng làm những thông tin chính xác, có nguồn gốc dễ dàng bị lẫn lộn hoặc chìm khuất giữa những điều chưa ai kiểm chứng.
Đó là nói về những thông tin dạng “mặt trái”, thực tế, không hiếm những thông tin khuyến cáo/khuyên bảo người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm A/B/C nào đó với kết luận “có lợi cho sức khỏe”, “ngăn ngừa ung thư”, “chống lão hóa”… cũng bằng cách thức truyền đi như đã nói ở trên. Thông thường, đứng sau những thông tin dạng này (hiểu theo cách truyền thống), là những bộ phận marketing hay bán hàng của những nhãn hàng sản xuất. Chọn cách “núp” sau những “nghiên cứu khoa học”, “thống kê” trong hay ngoài nước, các thông tin này khuyên nhủ khách hàng sử dụng “kem đánh răng”, “kem chống nắng”, “mật ong”, “bột collagen”, “kem tan mỡ”… hoặc những mặt hàng A/B/C nào đó. Những nghiên cứu hay thống kê mà các thông tin này thường dựa dẫm vào cũng rất vô thưởng vô phạt, chẳng rõ được nghiên cứu ở đâu, khi nào, ai đứng ra đảm bảo những thông tin đó là thật, là chính xác.
Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp cần những cơ quan có thể đứng ra kiểm tra/xác thực/công bố thông tin một cách đáng tin cậy. Đó có thể là bộ phận truyền thông của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn/ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng/ Bộ Y tế…, trước mắt cho những thông tin liên quan mật thiết đến sức khỏe và bữa ăn của người dân. Một khi đã rạch ròi được sự đúng sai, đáng tin cậy hay không đáng tin cậy, những cá nhân/tổ chức nào đó bịa đặt hoặc tuyên truyền thông tin sai lệch, bịa đặt hay vu cáo có thể bị phạt tùy mức độ ảnh hưởng.
Tự do thông tin phải dựa trên lợi ích cộng đồng và không gây phương hại đến cá nhân/tổ chức một cách vô căn cứ. Điều này trong thời đại hiện nay, không thể chỉ dựa vào sự “thông thái” của người tiếp nhận, mà phải bắt nguồn từ sự quản lý và minh bạch thông tin của những nhà quản lý.
Vi Lâm