Trong tất cả những cuộc tiếp và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, các đại sứ hay tổng lãnh sự từ Nhật Bản, châu Âu… Đồng Nai đều nhận được ý kiến rằng, họ mong dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sớm được triển khai.
Trong tất cả những cuộc tiếp và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, các đại sứ hay tổng lãnh sự từ Nhật Bản, châu Âu… Đồng Nai đều nhận được ý kiến rằng, họ mong dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sớm được triển khai.
Mới đây nhất, trong cuộc họp diễn ra ngày 15-8 của Hội đồng thẩm định dự án sân bay quốc tế Long Thành, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn dự án được nhanh chóng thực hiện để chia bớt áp lực về giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất. Một số phản biện trước đây cho rằng có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và tăng công suất sân bay này sẽ đỡ tốn kém hơn xây một sân bay mới. Hoặc tận dụng sân bay Biên Hòa để làm sân bay dân sự nhằm chia lửa cho Tân Sơn Nhất. Những ý kiến phản biện này được tôn trọng, song TP.Hồ Chí Minh cho rằng không thể chỉ nhìn dưới góc độ là Tân Sơn Nhất có còn tăng công suất được hay không, mà còn phải nhìn vào thực trạng hạ tầng giao thông thành phố có đáp ứng được nếu tăng công suất hay không.
Báo điện tử Vnexpress dẫn lời Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho rằng, để nâng công suất Tân Sơn Nhất thêm 5 triệu khách, chi phí sẽ tốn không dưới 4 tỷ USD, bao gồm việc kết nối 2 tuyến đường sắt đô thị và 2 tuyến đường trên cao. Thực tế vừa qua, để giải tỏa áp lực cho giao thông tiếp cận quanh sân bay, thành phố đã chi hơn 300 triệu USD để xây dựng tuyến Bình Lợi - Tân Sơn Nhất và mở rộng đường Trường Chinh, Cộng Hòa.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu quân đội, cũng đồng ý với việc triển khai dự án này. Từng là phi công chiến đấu thuộc Sư đoàn Không quân 370, bay trên bầu trời TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa, ông Tuấn khẳng định sân bay quân sự Biên Hòa không thể chuyển thành sân bay dân sự được và cảng quốc tế Tân Sơn Nhất không thể mở rộng thêm.
Phía Đồng Nai - địa phương dự kiến là nơi thực hiện siêu dự án này cũng đã và đang có sự chuẩn bị tích cực nhất cho việc thực hiện bằng các biện pháp quy hoạch, đánh dấu khu vực và chuẩn bị các phương án di dời, đền bù, giải tỏa, tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực thực hiện dự án.
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất hiện tại là chủ đầu tư - Tổng công ty hàng không Việt Nam chưa làm nổi bật sự cần thiết phải xây dựng dự án này trong báo cáo lần thứ 4 của mình, theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng thẩm định dự án - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh. Theo đó, nếu chủ đầu tư không nói rõ được sự cần thiết phải đầu tư dự án thì dự án sẽ khó qua “cửa” Chính phủ, không được Chính phủ phê duyệt thì sẽ không có chuyện trình ra Quốc hội vào cuối năm nay.
Sự lo lắng này là có căn cứ, bởi dự án đã “lỡ bộ” một lần, không kịp trình Quốc hội ở kỳ họp giữa năm 2014 và hiện đang hồi hộp chờ, không biết có kịp trình trong kỳ họp cuối năm hay không. Nếu vẫn không kịp sẽ gây khó khăn cho nhiều nơi, đặc biệt là Đồng Nai, bởi việc quy hoạch, tính toán việc di dời, bồi thường cho dân rất lớn không phải một sớm một chiều hay có thể thay đổi liên tục được.
Vi Lâm