Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm đẹp... trên Facebook

10:08, 25/08/2014

Không cần bàn cãi nhiều đến sự tiện lợi và nhanh chóng của mô hình mua - bán online. Bạn ngồi lướt web, chọn hàng, chuyển tiền, cung cấp địa chỉ và người bán chỉ cần ra bưu điện "ship" hàng về tận nơi cho bạn.

Không cần bàn cãi nhiều đến sự tiện lợi và nhanh chóng của mô hình mua - bán online. Bạn ngồi lướt web, chọn hàng, chuyển tiền, cung cấp địa chỉ và người bán chỉ cần ra bưu điện “ship” hàng về tận nơi cho bạn. Bài viết chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong hằng hà sa số các mặt hàng được bán online thông qua các trang web và trang mạng xã hội: các sản phẩm làm đẹp tự chế được bán thông qua các Facebook cá nhân. Những sản phẩm này đang được bán rất rộng rãi.

Hiện tại, với hoạt động mua bán online này, sự tin tưởng của người mua với kẻ bán gần như là sự xác tín duy nhất. Ngoài điều đó, những mặt hàng làm đẹp vốn có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng được rao bán thông qua các trang mạng cá nhân dường như không có bất kỳ một bảo chứng nào về độ an toàn và chất lượng. “Chúng” bao gồm: kem trị mụn, kem lột da, kem tắm trắng, cao dưỡng da, tinh dầu dưỡng tóc, các sản phẩm giảm béo hay chống rạn da, sữa dê nguyên chất, thuốc đông y giảm cân, trà thảo dược giảm mỡ… được “cộp mác” gia truyền, bán chủ yếu thông qua các Facebook cá nhân.

Thông thường, chủ các Facebook bán hàng sẽ tìm nguồn hàng, post bài giới thiệu, sau đó nhắn tin cho bạn bè vào comment (bình luận) đặt hàng, góp ý, khen ngợi… để tạo một “thanh thế” nhất định về sản phẩm. Thậm chí, tạo độ “hot” cho sản phẩm bằng cách thông báo cháy hàng, chụp ảnh những tin nhắn khen ngợi công dụng sản phẩm và công bố trên Facebook để tạo tin tưởng. Rất nhiều chị em nhẹ dạ đã đặt hàng, mua hàng thông qua những thông tin dễ ngụy tạo đó.

Dĩ nhiên, không thể “vơ đũa cả nắm” khi bảo rằng tất cả các sản phẩm làm đẹp tự chế được bán thông qua các trang Facebook cá nhân đều là “hàng đểu”. Song việc sản xuất, điều chế một sản phẩm làm đẹp và đưa chúng đến tay người tiêu dùng không đơn giản đến thế. Các nhà sản xuất buộc phải có trách nhiệm từ đầu đến cuối trong việc nghiên cứu, chọn lựa nguyên liệu, thiết lập quy trình sản xuất, tuân theo các quy định về sử dụng chất bảo quản hoặc phụ gia, hướng dẫn sử dụng, nghiên cứu kỹ lưỡng và công khai tác dụng phụ (dù chỉ là một vài tỷ lệ %), hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng như giải quyết các sự cố liên quan cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Rất nhiều khi, một sản phẩm bị lên án trong hàng triệu sản phẩm chỉ là trường hợp hiếm hoi của một nhà sản xuất khi bán một hiệu mỹ phẩm nào đó, song họ vẫn phải giải quyết rốt ráo. Đó là những trách nhiệm mà một người bán hàng tư nhân vô danh với những sản phẩm “tự chế, gia truyền” gần như không thể làm được. Họ không thể đủ điều kiện để nghiên cứu và công bố chi tiết những nguyên liệu nào an toàn hoặc chống chỉ định cho người tiêu dùng nói chung, họ chỉ bán hàng vì họ nghĩ là nó tốt. Một mặt hàng có thể tốt cho 1 người, 10 người, song khi bán rộng rãi cho hàng trăm người, nguy cơ về tác dụng phụ và các ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài là điều một người bán đơn độc không thể kiểm soát và giải quyết.

Đã có nhiều phản hồi xấu về các loại kem trộn, kem lột trắng da, thảo dược giảm cân... được bán qua các Facebook, nhẹ thì không có tác dụng, nặng thì gây biến chứng. Chính vì vậy, “làm đẹp trên Facebook” tuy chưa ai cấm, nhưng cũng là điều cần cân nhắc kỹ với cả người mua - kẻ bán lẫn các cơ quan quản lý.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều