Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện thịt bò

11:08, 11/08/2014

Cách đây 3 - 4 năm, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại khi Việt Nam bỏ ngỏ gần như hoàn toàn thị trường thịt bò cho bò nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Thái Lan vì số lượng bò trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.

Cách đây 3 - 4 năm, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại khi Việt Nam bỏ ngỏ gần như hoàn toàn thị trường thịt bò cho bò nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Thái Lan vì số lượng bò trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Thời điểm đó, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã xác định sẽ tìm cách không để thịt ngoại tràn vào gây khó cho chăn nuôi trong nước. Trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ cũng xác định sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt làm lợi thế để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Song thực tế không dễ. Dù đã có cảnh báo, nhưng chỉ trong 7 năm (từ 2007 đến nay), theo Tổng cục Thống kê đàn bò thịt của Việt Nam đã giảm 25% về số lượng, đàn trâu giảm 13%. Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu con bò, trong khi nhu cầu một ngày khoảng 3 ngàn con. Khi lượng bò thịt từ Lào, Campuchia, Thái Lan khan hiếm, Việt Nam cũng theo chân nhiều nước khác như Trung Quốc hay Indonesia, chuyển hướng sang nhập khẩu bò từ Úc. 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 72 ngàn con bò từ Úc, cao hơn con số 70 ngàn con của cả năm 2013.

Hiện tại, dù phải gánh chịu nhiều khoản thuế, phí, song giá bò thịt nhập khẩu từ Úc về đến Việt Nam cũng chỉ xấp xỉ với giá bò giết thịt trong nước, trong khi đó chất lượng được xem là hơn hẳn do có sự kiểm tra gắt gao từ phía Úc trong chăn nuôi bò. Không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc, Indonesia hay các quốc gia Trung Đông cũng đang là những thị trường tiêu thụ thịt bò lớn của Úc, kể cả bò đông lạnh lẫn bò nguyên con giết thịt. Tại Đồng Nai, một doanh nghiệp tư nhân cũng đã bỏ hàng triệu USD nhập bò nguyên con từ Úc về giết mổ, và từng bước xây dựng được một thị trường khá vững vàng thông qua hệ thống các siêu thị nổi tiếng. Một số doanh nghiệp khác hiện cũng đang khảo sát và có kế hoạch nhập khẩu bò về để đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Thực tế, chất lượng bò thịt từ Úc có vẻ đang chiếm ưu thế nhờ độ mềm, béo hơn hẳn thịt bò trong nước, đồng thời được đảm bảo bởi một trong những quốc gia uy tín và nghiêm túc về nông nghiệp như Úc. Trước khi xuất bò, các doanh nghiệp nước này đều yêu cầu đối tác ở quốc gia nhập khẩu phải đảm bảo những điều kiện giết mổ, vệ sinh tiêu chuẩn để không làm “mang tiếng” bò Úc.

Nhìn một cách thực tế, nếu giờ này các động thái phát triển đàn bò thịt của Việt Nam vẫn chưa mấy tiến triển, thì chỉ vài năm nữa thị trường bò thịt có lẽ sẽ hoàn toàn thuộc về nước ngoài, nhất là khi các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương được ký. Song, từ chuyện con bò có lẽ nông nghiệp Việt Nam cần xem xét thêm nhiều “cây” và “con” khác, vì thời gian không chờ để các “đề án”, “kế hoạch”, “dự định tái cơ cấu”… ì ạch trên giấy mãi.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều