Không hẹn mà gặp, khi điểm lại, hầu hết những "chiêu trò" mà các nhà sản xuất, kinh doanh sữa tung ra nhằm đối phó với các cơ quan quản lý giá sữa đều xuất phát từ các hãng sữa ngoại.
Không hẹn mà gặp, khi điểm lại, hầu hết những “chiêu trò” mà các nhà sản xuất, kinh doanh sữa tung ra nhằm đối phó với các cơ quan quản lý giá sữa đều xuất phát từ các hãng sữa ngoại. Còn nhớ cách đây 2 năm, khi Bộ Y tế quyết định đưa sữa vào diện mặt hàng phải bình ổn giá, một số hãng sữa ngoại ngay lập tức “sửa” nhãn hàng từ sữa sang thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… hoặc thay đổi cơ cấu các vi chất để đưa hàng ra khỏi danh mục quản lý. Tương tự, khi Bộ Tài chính siết giá sữa bằng các quy định giải trình khi giá tăng ở một mức nhất định trở lên, các hãng sữa ngoại lại lách bằng cách mỗi lần chỉ tăng vài %, chỉ cần dưới mức quy định giải trình để né luật.
Gần đây nhất, khi quyết định áp trần giá sữa được đưa ra, vài hãng sữa ngoại lại “tung chiêu” khi thay đổi trọng lượng, đổi tên sản phẩm để tiếp tục né các hình thức quản lý giá. Trong buổi họp báo thường kỳ quý II-2014 của Bộ Tài chính được tổ chức chiều ngày 8-7, lãnh đạo Bộ đã thừa nhận thị trường hiện đã xuất hiện sản phẩm chức năng cho trẻ em, nhưng không gọi là sữa mà có tên gọi như “bổ sung vi chất”. Những mặt hàng này không nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Bộ Y tế, nên doanh nghiệp không phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá (nguồn: TTXVN). Và như thường lệ, những động thái này tiếp tục lại rơi vào các hãng sữa ngoại.
Bàn về chất lượng dinh dưỡng và sự so sánh giữa sữa nội hay sữa ngoại, thực chất vẫn nhiều tranh cãi, song về mặt giá cả và sự chấp hành, hay hiểu nôm na là “chơi đẹp”, có lẽ các hãng sữa ngoại vẫn kém những nhãn hàng sữa trong nước một bậc. Hầu như rất hiếm khi Vinamilk, TH True milk, Nutifood hay các hãng nhỏ hơn, như: Mộc Châu, Ba Vì, Long Thành, Phù Đổng… “chơi chiêu” để né quy định. Họ, những hãng sữa còn non trẻ vẫn cố gắng chấp hành các quy định về giá cả, chất lượng nhằm đem đến cho người tiêu dùng Việt Nam, vốn có túi tiền chưa “nặng”, những sản phẩm có giá phù hợp.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khẳng định chưa có một nghiên cứu hay khảo sát nào khẳng định trẻ dùng sữa ngoại sẽ phát triển tốt hơn, thông minh hơn trẻ dùng sữa nội, và hầu hết các nhóm vi chất trong sữa nội hay sữa ngoại đều tương đương nhau. Thực tế, các nhãn sữa nội nổi tiếng từ Vinamilk hay TH True milk đều được sản xuất trên nền tảng công nghệ hiện đại và chuẩn chất lượng quốc tế, hầu như chưa có vụ việc khiếu nại nào về chất lượng và độ an toàn của các hãng sữa trong nước. Và một khi chất lượng đã được khẳng định, thiết nghĩ người tiêu dùng nên ủng hộ những nhãn hàng sữa nội có uy tín, một mặt để giảm chi phí, mặt khác để ủng hộ doanh nghiệp trong nước - việc rất cần kíp trong thời điểm kinh tế Việt Nam khó khăn như hiện tại.
Vi Lâm