Đã có rất nhiều bài viết về sự hỗn loạn của thị trường thực phẩm chức năng, với nhiều thực tế: giá cao gấp hàng chục lần so với giá nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh theo mạng lưới đa cấp, tác dụng chưa được minh định rõ ràng, quảng cáo quá lố…
Đã có rất nhiều bài viết về sự hỗn loạn của thị trường thực phẩm chức năng, với nhiều thực tế: giá cao gấp hàng chục lần so với giá nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh theo mạng lưới đa cấp, tác dụng chưa được minh định rõ ràng, quảng cáo quá lố… Và mới đây, hàng chục ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng được nhà quản lý Việt Nam thu hồi vì kém chất lượng, một lần nữa đặt thêm câu hỏi cho những mặt hàng “thời thượng” này.
Ngày 25 - 6, nhiều phương tiện truyền thông công bố kết quả kiểm nghiệm của nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện. Trong đó, hầu hết các sản phẩm được kiểm nghiệm đều không đạt chỉ tiêu chất lượng như công bố, thậm chí một số sản phẩm hoàn toàn không có các hoạt chất “thần kỳ” như đã quảng cáo.
Cụ thể, mẫu Complebiol 4 Joints xuất xứ Mỹ, số lô 31370, hộp nguyên niêm phong hàm lượng Glucosamin chỉ đạt 214mg/viên (công bố 250mg/viên). Tương tự, các mẫu GENKI 9 King’s Secrets, xuất xứ Nhật Bản với quảng cáo làm từ sâm quý thiên nhiên, khi kiểm nghiệm đã không phát hiện một chút hàm lượng sâm nào. Tại Hà Nội, 2 mẫu thực phẩm chức năng Complebiol 4 Joints loại hộp 30 viên, số lô 31460 do Công ty cổ phần Thế giới khoa học và tự nhiên nhập khẩu, phân phối cũng có hàm lượng Glucosamin chỉ đạt 156,6mg/viên (60% so với công bố). Hàm lượng VitaminD3 nhà nhập khẩu công bố 950 UV/viên nhưng thực tế kiểm nghiệm chỉ đạt 6,0 UV/viên, thấp hơn rất nhiều lần (nguồn: báo Điện tử Dân Trí).
Thực phẩm chức năng đang len lỏi khắp các ngõ ngách cuộc sống, bằng sự ranh mãnh đến khó tin, “đánh” vào những vấn đề sức khỏe nảy sinh trong thời đại ngày nay: giảm béo, thải độc, chống lão hóa, bổ sung rau và sinh tố, tăng cường sinh dục, làm chậm tiến trình của bệnh ung thư, hỗ trợ các bệnh “nhà giàu”, như: tiểu đường hoặc gout... với giá bán cao gấp hàng chục lần so với giá sản xuất. Thêm vào đó, những mánh lới quảng cáo, bán hàng với các chiêu trò như mua chuộc bác sĩ, quảng cáo tràn ngập, bán hàng theo mạng lưới để trích hoa hồng cao… khiến cho thực phẩm chức năng ngày càng phổ biến, trong khi đó, tác dụng và chất lượng vẫn mù mờ.
Cuộc kiểm tra chất lượng trên quy mô rộng mới đây cho thấy, các loại vi chất, chất dinh dưỡng, hàm lượng chất bổ… có trong nhiều loại thực phẩm chức năng là rất ít ỏi, thậm chí không có. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, với các hàm lượng quá ít ỏi, nhiều loại thực phẩm chức năng cũng không bổ béo gì hơn một viên… bột mì. Mặt khác, một số loại thực phẩm chức năng lại chứa hàm lượng một số chất tân dược quá cao, khi uống có tác dụng nhanh, song lại rất hại đến sức khỏe người dùng nếu uống hàng ngày. Một ví dụ là sản phẩm Super Fat Burner nhập khẩu từ Mỹ của Công ty TNHH trung tâm Vân Sơn phải dừng lưu hành, bị thu hồi vì có chứa Shibutramine. Đây là chất không được sử dụng trong thực phẩm chức năng do gây tác động xấu đến tim mạch, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
Một thị trường đang bành trướng rất mạnh, song lại quá ư rối rắm và cần sự minh bạch, trước hết về chất lượng, giá cả. Câu trả lời vẫn chưa có.
Vi Lâm