Báo Đồng Nai điện tử
En

Đằng sau cuộc gọi của Bộ trưởng

09:07, 29/07/2014

Trong chuyến "vi hành" kiểm tra tiến độ các dự án cầu đường, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng đã ghi điểm với truyền thông sau cuộc gọi dài 2 phút, tiết kiệm 20 tỷ đồng cho ngân sách.

Trong chuyến “vi hành” kiểm tra tiến độ các dự án cầu đường, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng đã ghi điểm với truyền thông sau cuộc gọi dài 2 phút, tiết kiệm 20 tỷ đồng cho ngân sách. Theo đó, trong cuộc thị sát tiến độ các dự án hạ tầng trên quốc lộ 1 vào ngày 23-7, nghe nhà thầu báo cáo, nếu giải quyết xong một số vướng mắc về mặt bằng với phía Tổng công ty đường sắt, nhà thầu cam kết dự án sẽ vượt tiến độ trong năm 2014 và dự tính sẽ tiết kiệm cho ngân sách 20 tỷ đồng.

Bộ trưởng rút điện thoại ra gọi cho lãnh đạo ngành đường sắt, và mọi việc được giải quyết. Báo chí ưu ái gọi đó là “cuộc gọi tiền tỷ”, bởi dự án trên quốc lộ 1 sử dụng vốn ngân sách, với 20 tỷ đồng đó nếu sử dụng đúng, có thể hỗ trợ thêm cho các dự án khác, hoặc đơn giản hơn, xây vài cây cầu cho những xã nghèo.

Đó là chuyện vui. Nhưng đặt trường hợp Bộ trưởng không gọi điện thoại thì sao? Nghĩa là nhà thầu dự án vẫn loay hoay với mớ thủ tục xin Tổng công ty đường sắt giúp đỡ giải tỏa nhanh mặt bằng để tiết kiệm 20 tỷ đồng, trong lúc nhiệm vụ phối hợp đó lẽ ra phải là điều mà ngành đường sắt phải làm. Đây là dự án trọng điểm của Bộ, Tổng công ty đường sắt cũng trực thuộc Bộ, mà phải đợi đến khi Bộ trưởng đích thân gọi điện, mọi việc mới hanh thông. Chỉ qua một cuộc điện thoại chỉ đạo bằng miệng của Bộ trưởng dài chưa đầy 2 phút, mọi bất cập đã xong, trong khi trước đó, nhà thầu dự án đã gửi công văn đề nghị giúp đỡ, và có vẻ như công văn này bị phớt lờ.

Có thể thấy, đằng sau cuộc gọi của Bộ trưởng, là cả một bài toán phải giải quyết về các thủ tục hành chính, các lớp lang giấy tờ công văn mà nhà thầu phải vượt qua nếu muốn có được sự đồng thuận giúp đỡ trong công việc - dù là việc chung, có lợi cho ngân sách. Lẽ ra, ngành đường sắt cần phải chịu sự phê bình nghiêm túc, bởi đã không tích cực phối hợp để giúp thúc đẩy tiến độ dự án trọng điểm, có ích cho dân, cho nước.

Còn rất nhiều dự án khác với rất nhiều vướng mắc, mà có khi là những vướng mắc nảy sinh ngay chính giữa các cơ quan nhà nước với nhau, do thiếu sự cảm thông, thiếu cơ chế phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm. Ông Bộ trưởng không thể lúc nào cũng gọi điện thoại “hạ lệnh” một cách kịp thời, và sự chỉ đạo miệng này cũng không nên được “nhân rộng” như một điển hình. Vấn đề là phải giải những bài toán trách nhiệm để các ngành, đơn vị có ý thức đóng góp cho việc chung, mà không cần Bộ trưởng phải tốn tiền điện thoại.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều