Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai cần được "vận động"?

10:07, 21/07/2014

Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" xét trên nhiều khía cạnh đã đạt được những thành công nhất định khi nhiều thương hiệu hàng Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.

Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” xét trên nhiều khía cạnh đã đạt được những thành công nhất định khi nhiều thương hiệu hàng Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Nói cho cùng, cuộc vận động này hướng đến thị trường nội địa và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển sản xuất, dựa trên nền tảng sự ủng hộ hàng trong nước của người mua.

Tuy nhiên, có vẻ như mọi ưu đãi đang dồn về phía hàng xuất khẩu, chứ không phải cho doanh nghiệp trong nước. Quan sát cho thấy các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, cải cách hành chính… thường chọn đối tượng là doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp FDI, chứ không mấy khi là doanh nghiệp trong nước. Những ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước trong 5 năm gần đây có chăng là ưu đãi hướng đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng kết quả không mấy thiết thực. Giám đốc một doanh nghiệp cỡ vừa chuyên sản xuất hàng thực phẩm tại Đồng Nai nhận xét, các ưu đãi thường mang tính nhất thời và khó chạm tới. Ví dụ với việc tiếp cận vốn, đành rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước được xem là một trong 5 đối tượng được ưu tiên vay vốn, nhưng trong thực tế, họ chính là đối tượng hầu như đang phải chịu mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay. Với doanh nghiệp xuất khẩu hoặc FDI, do có nguồn ngoại tệ, có vị thế hơn nên dễ dàng nằm ở “kèo trên” trong cuộc mặc cả lãi suất với các ngân hàng. Doanh nghiệp có vốn nhà nước thì có nhiều ưu đãi khác từ lãi suất đến đất đai, không còn là chuyện phải bàn.

Trong những bối cảnh và thời điểm cụ thể, ví dụ khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tinh thần dân tộc trỗi dậy, người ta có thể hô hào chuyện người tiêu dùng hãy ưu tiên dùng hàng trong nước mà không đặt quá nặng đến vấn đề chất lượng, giá cả, khoan hãy đặt hàng của doanh nghiệp Việt lên bàn cân với hàng hóa các nước, ủng hộ là chính. Nhưng về lâu dài, họ không thể cứ mãi mua hàng hóa trong nước chỉ để ủng hộ nếu giá đắt hơn và chất lượng không bằng hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước cần nắm cơ hội và cải tiến nhanh hàng hóa, và chính sách cũng cần hỗ trợ họ, ít nhất cũng là mức hỗ trợ ngang bằng với doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp FDI bằng chính sách thuế, tín dụng, thủ tục hành chính... Căn cơ hơn, đó là việc tạo ra những chính sách mà bản thân chúng có thể kiến tạo nên một môi trường sản xuất - kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp trong nước: phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao… một cách đồng bộ. Bởi nếu tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu, máy móc quá cao như hiện tại, thì việc ủng hộ hàng trong nước cũng không có mấy ý nghĩa, vì mua 1 chiếc áo sơ-mi nhãn Việt Nam, nhưng từ vải, nút áo, chỉ, phụ kiện, mẫu mã… đều phải nhập khẩu, về thực chất cũng không khác mấy so với việc mua một chiếc sơ-mi nhập khẩu.

Vậy, vận động người tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến, nhưng có lẽ những người làm chính sách cũng cần “nghiêng vai” gánh vác thêm để tạo nên một môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp họ nâng sức cạnh tranh trong hàng hóa.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều