Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin gần đây, thương lái Trung Quốc lại đang tìm mua đại trà hoa và búp non của cây thanh long, đặc biệt tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin gần đây, thương lái Trung Quốc lại đang tìm mua đại trà hoa và búp non của cây thanh long, đặc biệt tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Theo Báo Người Lao Động, thương lái Trung Quốc chỉ tìm mua loại hoa thanh long chưa nở, dài khoảng 20cm với giá từ 2.700 - 4.000 đồng/kg.
Mấu chốt nằm ở chỗ, họ không hề biết cụ thể hoa và búp thanh long non dùng để làm gì, ý kiến từ chính quyền địa phương cũng khá mù mờ khi chỉ biết thương lái Trung Quốc mua hoa, sấy khô và xuất ra phía Bắc. Cũng chưa cá nhân hoặc cơ quan nào có trách nhiệm lên tiếng chính thức về việc nên hay không nên bán búp và hoa thanh long cho thương lái Trung Quốc là lợi hay hại. Nhiều người nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận cho rằng, hoa thanh long nở nhiều, nên việc cắt tỉa bớt để bán cũng giúp tăng thu nhập.
Song, những bài học xương máu gần đây cho thấy, sự “ngây thơ” này phần hại nhiều hơn phần lợi. Thương lái Trung Quốc đã từng tổ chức thu mua nhiều loại nông sản “độc”, như: ốc sên, đỉa, lá điều khô, rễ tiêu… và mới đây nhất là con banh lông ở các tỉnh ven biển. Giá mua bao giờ cũng cao, nhiều nông dân hào hứng gom hàng, giá tiếp tục được đẩy lên cao và đến một mức nào đó, thương lái ngừng mua, trốn về nước, nhiều nông dân và đại lý khóc dở mếu dở vì đã trót đứng ra gom hàng, phút cuối bị “trở kèo”, đổ nợ.
Có thể thấy, điểm chung nhất của những bài học này là sự “ngây thơ” xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là người nông dân đa phần đã khổ, nên khi có cơ hội tăng thu nhập, họ nhanh chóng nắm bắt; một số khác vì ham làm giàu nhanh chóng nên trở thành đại lý gom hàng. Tất cả đều nhận về những hậu quả tai hại, mùa màng thất bát, ôm nợ vì bỏ vốn gom hàng, cuối cùng lại không biết bán đi đâu.
Nhiều cảnh báo về cách thức tạo ra cầu ảo để thu lợi thật xuất phát từ việc mua gom một loại nông sản nào đó đã được nêu ra rất nhiều trên các báo, các đài truyền hình, nhưng chiêu trò của thương lái thì luôn luôn mới. Tất cả những loại nông sản mà họ chọn để gieo cầu ảo cho người nông dân đều là những loại không thể tìm được thông tin để so sánh, chẳng hạn đỉa hay rễ tiêu, vì chưa có quốc gia nào thu mua hay sử dụng những loại nông sản nói trên. Hiện tại, với hoa và búp thanh long, tìm kiếm bằng các phương tiện có sẵn cũng chưa ai biết được chúng dùng để làm gì. Do đó, một thái độ tìm hiểu kỹ càng và sự cảnh giác là điều nên có, với cả cơ quan quản lý lẫn người nông dân. Ở Đồng Nai, tuy chưa xuất hiện hiện tượng này, song với hàng trăm hécta thanh long đã và đang phát triển, những thông tin này là hết sức cần thiết.
Với thương lái Trung Quốc, có những bài học chưa bao giờ là cũ.
Vi Lâm