Mùa trái cây hè 2014, với nông dân Đồng Nai nói riêng là một mùa trái cây buồn: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… đầu mùa đã giảm giá. Nhiều vườn xoài ở Định Quán bỏ không cho trái rụng vì giá bán không bù lại được tiền công mướn người thu hoạch.
Mùa trái cây hè 2014, với nông dân Đồng Nai nói riêng là một mùa trái cây buồn: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… đầu mùa đã giảm giá. Nhiều vườn xoài ở Định Quán bỏ không cho trái rụng vì giá bán không bù lại được tiền công mướn người thu hoạch.
Nhìn rộng ra, ở những vựa trái cây lớn như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng tương tự vẫn xảy ra, trái cây rẻ như cho không mỗi khi con đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bị trục trặc.
Vậy người ta có thể làm gì với lượng trái cây đổ đống đó? TS.Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - người có hơn 50 năm và hiện vẫn đang miệt mài nghiên cứu và đóng góp cho ngành trái cây Việt Nam, chua xót nói công nghệ chế biến trái cây của Việt Nam hiện tại “hầu như chưa có gì”. Do đó, nếu bán không xong nông dân thường đổ bỏ.
Theo TS.Võ Mai, trước hết khâu bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam quá kém, dẫn đến tỷ lệ hao hụt nông sản khi thu hoạch rất cao, có nơi trên 30%. Nếu nông dân vẫn giữ thói quen hái trái xoài xong quăng thành đống dưới đất thì khó mà cạnh tranh nổi. Ví dụ tại Malaysia, họ đã biết khi hái trái cây có mủ, trái từ cây xuống phải dốc ngược ngay trong rổ chuyên dụng để bảo quản tốt, giảm hao hụt.
Riêng khâu chế biến sau thu hoạch mang lại nhiều lợi nhuận nhất thì hầu như chưa phát triển tại Việt Nam. TS.Võ Mai dẫn chứng, tại các quốc gia như Thái Lan hay Malaysia, việc thu hoạch và bán trái cây tươi là đương nhiên, song công nghiệp sản xuất các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng từ trái cây phát triển mạnh đã giúp người nông dân an tâm sản xuất, ít lo lắng đến đầu ra. Đơn cử với trái xoài, ngoài việc chọn những trái đẹp để bán tươi, còn lại có thể chế biến thành mứt, xoài sấy, nước ép đóng lon, bánh kẹo, sản phẩm làm đẹp, thuốc trị bệnh… Đầu ra càng đa dạng thì sản phẩm càng bớt mối lo ế ẩm. Với trái thanh long, bà Mai nói tại Malaysia dù phát triển cây thanh long chưa lâu, người ta đã nghiên cứu các dưỡng chất để chế biến thành nước trái thanh long và các sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… đóng góp vào sự đa dạng của thị trường và làm giảm đi nỗi lo của người nông dân.
Quan sát tại các siêu thị cho thấy, sản phẩm chế biến từ nông sản hay trái cây của Việt Nam còn khá hạn hẹp. Chẳng hạn, nước ép trái cây chỉ có vài thương hiệu lớn như Vinamilk tham gia thị trường, các sản phẩm khác, như: mứt, trái cây sấy, trái cây tẩm gia vị cũng chưa nhiều, trừ vài nhãn hàng nổi tiếng như Tân Tân hay Vinamit. Thị trường này hiện vẫn là sân chơi của hàng nhập khẩu. Một số doanh nghiệp nhỏ trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm đến khía cạnh này, song sản phẩm chưa đa dạng và độ phủ sóng còn rất ít ỏi do những hạn chế về công nghệ và kinh phí.
Sự hạn chế đó đã làm chỗ thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.
Vi Lâm