Báo Đồng Nai điện tử
En

Đâu là mấu chốt ưu đãi thu hút đầu tư?

10:06, 30/06/2014

Ông Atsushi Uehara, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Long Đức - một trong những khu công nghiệp có tốc độ thu hút đầu tư nhanh nhất tính từ ngày thành lập tại Đồng Nai, từng nói các yếu tố như tương đồng văn hóa hay nhân công rẻ không phải là những yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản như nhiều người vẫn nghĩ.

Ông Atsushi Uehara, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Long Đức - một trong những khu công nghiệp có tốc độ thu hút đầu tư nhanh nhất tính từ ngày thành lập tại Đồng Nai, từng nói các yếu tố như tương đồng văn hóa hay nhân công rẻ không phải là những yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản như nhiều người vẫn nghĩ. Trên thực tế, sự ổn định về chính trị, kinh tế, chi phí lao động, khuôn khổ pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và nhất là chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia mới là những yếu tố chính để các nhà đầu tư cân nhắc.

Và ông Uehara không nhắc nhiều đến các ưu đãi đầu tư mà lâu nay Chính phủ cùng các địa phương đã và đang áp dụng, như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất nhập khẩu, đất đai, tín dụng... Điều này có vẻ khá trùng khớp với những quan điểm mà báo cáo Điều tra công nghiệp Việt Nam 2011 do Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) cùng Bộ Kế hoạch - đầu tư đã thực hiện nghiên cứu trên gần 1,5 ngàn doanh nghiệp FDI trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố vào ngày 26-6 vừa qua.

Theo báo cáo này, Việt Nam hiện đang áp dụng nhiều chính sách và hình thức ưu đãi khác nhau, gồm: ưu đãi về thuế; đất đai; ưu đãi tín dụng và các hình thức hỗ trợ tài chính khác của các địa phương, như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, chi phí quảng cáo, hỗ trợ đào tạo người lao động, khen thưởng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực môi giới đầu tư. Có tới 97% doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc, 79% ở Hà Nội, 72% ở Đồng Nai, 65% ở Bắc Ninh trả lời khảo sát là họ được nhận ưu đãi tài chính của chính quyền địa phương.

Các chuyên gia của UNIDO đã đưa ra những điểm trọng yếu trong thu hút đầu tư, trong đó các yếu tố ưu đãi nói trên chỉ mang tính bổ sung chứ không phải là những điều mang tính quyết định để doanh nghiệp FDI chọn đầu tư vào Việt Nam hay không. Các yếu tố đó bao gồm những nội dung như ông Uehara đã đề cập. Theo đó, thời gian qua Việt Nam đã cấp và duy trì rất nhiều ưu đãi thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, song thực tế chưa có gì chứng minh rằng các doanh nghiệp được ưu đãi hoạt động tốt và đóng góp nhiều hơn những doanh nghiệp bình thường, cũng như không có bằng chứng nào cho thấy doanh nghiệp nhận được ưu đãi nhiều thì sẽ sử dụng nhiều lao động hơn hoặc đầu tư vốn nhiều hơn.

Rõ ràng, ở những thời điểm nhất định, ưu đãi đầu tư cộng với các điều kiện khác là những điểm mạnh để vốn FDI chảy vào Việt Nam. Song về lâu dài, những ưu đãi này nên được soát xét thường xuyên về tính hiệu quả, bởi nghiên cứu này cũng gợi ý rằng, việc cấp ưu đãi đầu tư là một chính sách rất tốn kém, thậm chí có thể gây ra sự biến dạng hệ thống tài chính quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước nhận đầu tư.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều