Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vòng kim cô" mới cho thực phẩm

09:05, 05/05/2014

Thêm một nỗ lực mới trong lĩnh vực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là cả 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Công thương sẽ cùng bắt tay với nhau trong việc quản lý các khâu nguyên liệu - chế biến - kinh doanh đối với tất cả các mặt hàng thực phẩm đang bày bán trên thị trường, thông qua Thông tư liên tịch 13/2014 về phân công quản lý an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 26-5.

Thêm một nỗ lực mới trong lĩnh vực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là cả 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Công thương sẽ cùng bắt tay với nhau trong việc quản lý các khâu nguyên liệu - chế biến - kinh doanh đối với tất cả các mặt hàng thực phẩm đang bày bán trên thị trường, thông qua Thông tư liên tịch 13/2014 về phân công quản lý an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 26-5.

Chưa có hướng dẫn cụ thể quy định mới sẽ được áp dụng ra sao, song đối tượng điều chỉnh, do chưa phân loại cụ thể theo lộ trình,  nên rất có thể sẽ lan rộng đến từng góc phố, con hẻm hay đôi quang gánh của người bán hàng rong, miễn là có hoạt động chế biến thực phẩm.

Đáng chú ý nhất là quy định cơ sở, tổ chức hay cá nhân người bán thực phẩm buộc phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Giấy này được ví như một dạng “bằng cấp” được cấp cho những người trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và câu hỏi kiến thức chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Trong đó, nội dung kiến thức chung về an toàn thực phẩm bao gồm: các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, các mối nguy an toàn thực phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm, phương pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hành tốt an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn); Vụ Khoa học - công nghệ (Bộ Công thương) có trách nhiệm xây dựng và ban hành hoặc trình ban hành nội dung bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm chuyên ngành, tùy theo lĩnh vực quản lý của mỗi Bộ.

Chưa áp dụng, nhưng nhiều lo ngại đã đặt ra rằng những quy định nói trên sẽ khó khả thi. Trên Báo Tuổi Trẻ ngày 4-5, một chuyên gia đặt câu hỏi: làm sao để đảm bảo tính khả thi khi đặc thù Việt Nam có hàng vạn hộ bán cơm bụi, thậm chí hàng rong? Nếu những đối tượng này cũng thuộc diện phải lấy giấy xác nhận thì khó khả thi.

Vị này đề xuất, nên phân loại đối tượng để thực hiện từng bước, tránh tình trạng cứ đặt ra quy định, sau đó không thực thi được hoặc chỉ làm được một phần. Cần cân nhắc, nếu chưa đủ khả năng thực hiện một cách đầy đủ thì nên chuyển sang hình thức hỗ trợ, có thể cấp tờ rơi, tổ chức cấp tài liệu về an toàn thực phẩm thay vì bắt người dân đăng ký, nộp phí rồi cấp giấy.

Sở dĩ có sự sốt ruột nói trên khi thông tư chưa thực sự có hiệu lực là bởi đây không phải lần đầu tiên những quy định khắt khe nhằm quản lý an toàn thực phẩm được ban hành, nhưng lại thiếu tính khả thi, gây lãng phí và thất vọng. Nên chăng trước khi thực hiện, cần tham khảo thêm nhiều ý kiến và xem xét cụ thể hơn, rằng khi áp dụng đến từng địa phương sẽ gặp những khó khăn trắc trở nào để thực hiện tốt hơn.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều