Khi tập đoàn Samsung quyết định đầu tư vào Bắc Ninh và Thái Nguyên, họ cho biết kỳ vọng sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vệ tinh tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho mình.
Khi tập đoàn Samsung quyết định đầu tư vào Bắc Ninh và Thái Nguyên, họ cho biết kỳ vọng sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vệ tinh tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho mình. Nhìn vào mong muốn này, rõ ràng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên, sau mấy năm triển khai, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho Samsung chỉ được vỏn vẹn 4/200 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Câu chuyện của Samsung cho thấy, mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng sản phẩm ngay trong nước của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp. Tại Đồng Nai, chuỗi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng sản phẩm trong chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp như VMEP hay một số doanh nghiệp khác, chủ yếu cũng là các doanh nghiệp nước ngoài.
Hơn thế nữa, dù chỉ tham gia ít ỏi trong các chuỗi cung ứng đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản, như: bao bì, dịch vụ in ấn, rất hiếm doanh nghiệp trong nước tham dự được vào chuỗi này bằng các linh kiện hay sản phẩm quan trọng, cốt lõi và có tính cạnh tranh cao về chất xám.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đã tăng vọt, vượt qua giày dép, dệt may để trở thành hàng có kim ngạch lớn nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2009, điện thoại và linh kiện điện tử chỉ xếp thứ 9 về kim ngạch, sang 2010 đã vượt lên thứ 4 và đến năm 2013 đã vươn lên dẫn đầu, “qua mặt” cả dệt may. Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng kim ngạch của mặt hàng này vẫn cao, đến 29,2% và dự kiến vẫn là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014. Với mức tăng ấn tượng, nhóm hàng này có đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu chung của cả nước. Năm ngoái, điện thoại và linh kiện chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như một số ngành khác, sự lệ thuộc vào thói quen gia công khiến lợi nhuận thực sự lại nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Dù tạo ra được nhiều việc làm hơn, song về lâu dài, giá trị kinh tế vẫn không cao do Việt Nam chỉ tham gia khâu lắp ráp. Trong số 23,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của năm 2013, đã có đến 21 tỷ USD được chi trả để nhập linh kiện.
Câu chuyện này, tiếc thay lại đang đúng với các ngành xuất khẩu khác tại Việt Nam, từ dệt may, giày dép đến các mặt hàng được cho là có hàm lượng công nghệ cao. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, ở mặt hàng điện tử, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở việc lắp ráp một số sản phẩm đơn giản (ti vi, đầu đĩa, nồi cơm điện, tủ lạnh) và gần như nhập toàn bộ linh kiện. Họ đang bị yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng. Và nếu không thực sự cải thiện, trong tương lai doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục yếu thế ngay chính sân nhà, trong các chuỗi cung ứng được thiết lập ngay tại Việt Nam.
Vi Lâm