229 tỷ đồng là số tiền dự kiến cho đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
229 tỷ đồng là số tiền dự kiến cho đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.
Nhiều nhóm giải pháp được đề án đưa ra, như: hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất - kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam…
Đề án nói trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong cuộc vận động. Nhưng, việc yêu hàng Việt có lẽ nên cần thêm một chút cảm xúc chủ quan trong mỗi người tiêu dùng. Hiện tại, có quá nhiều so sánh làm lung lay tình yêu đó. Tại thị trường Việt Nam, hàng Trung Quốc, và thời gian sau này là Malaysia, Thái Lan, Singapore… đang là những đối thủ chính của hàng Việt. Các yếu tố thường được đem ra so sánh là giá cả, mẫu mã của hàng ngoại phù hợp hơn. Và là người bỏ tiền mua, họ có quyền lựa chọn. Câu hỏi thường đặt ra cũng là: sao hàng Việt không tốt, không đẹp, rẻ như những mặt hàng đang cạnh tranh với chúng?
Nhưng có lẽ nên xem xét câu chuyện của Hàn Quốc để phần nào trả lời câu hỏi này. Hàn Quốc là nước rất chuộng hàng nội địa, từ quần áo, giày dép, thực phẩm đến điện thoại, xe hơi... đều lấy thị trường trong nước làm chính. Những người tinh tế khi xem phim Hàn Quốc có thể thấy hiếm có một thương hiệu ngoại nào đó xuất hiện trong phim, nếu có logo cũng bị che mờ. Vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Hàn Quốc cũng kêu gọi người dân dùng hàng nội để ủng hộ doanh nghiệp trong nước. Và lời kêu gọi này được ủng hộ mạnh mẽ, bất chấp hàng hóa trong nước thời điểm đó không phải quá tốt, quá rẻ hay quá đẹp. Khi được người mua ủng hộ, doanh nghiệp Hàn Quốc càng có động lực cải tiến, và sự cải tiến này đến rất nhanh. Ngay cả bây giờ, nhiều mặt hàng của Hàn Quốc vẫn thua kém hàng ngoại, nhưng họ vẫn phát triển mạnh mẽ, và cùng với làn sóng văn hóa Hàn Quốc, hàng hóa Hàn Quốc bay khắp năm châu một cách rất ngọt ngào.
Trở lại câu chuyện hàng Việt, rõ ràng trong mấy năm nay, hàng Việt Nam đã có nhiều cải tiến. Tuy vậy, hàng Việt đang vấp phải những khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa ở những quốc gia khác trong một sân chơi ngày càng bình đẳng về thuế. Điều này rất khó khi những quốc gia đó là những nước đầy kinh nghiệm về sản xuất, thị trường, tiếp thị… Do đó, ở một số khía cạnh, thiết nghĩ người tiêu dùng Việt Nam cũng nên, và cần bày tỏ tính dân tộc của mình trong mua sắm, bằng cách ủng hộ hàng Việt, dù đâu đó vẫn có vài điểm chưa hài lòng. Và hãy thẳng thắn nêu sự chưa hài lòng ấy trên quan điểm góp ý, xây dựng để doanh nghiệp có những cải tiến tốt hơn. Vì doanh nghiệp nào cũng muốn bán được nhiều hàng.
Sâu xa hơn, về lâu dài, ủng hộ và tiêu dùng hàng Việt, bớt lệ thuộc hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc chính là cách làm Việt Nam mạnh hơn trong mọi cuộc chiến, kể cả “chiến trường” kinh tế. Đó cũng là yêu nước.
Kim Ngân