Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra lần này, ngoài những việc chính được bàn thảo tại nghị trường, thì khá nhiều báo đưa những ý kiến trao đổi của các đại biểu xoay quanh quan hệ và sự lệ thuộc kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra lần này, ngoài những việc chính được bàn thảo tại nghị trường, thì khá nhiều báo đưa những ý kiến trao đổi của các đại biểu xoay quanh quan hệ và sự lệ thuộc kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Không hẹn mà gặp, sau những căng thẳng trên biển Đông, rất nhiều bạn trẻ đã mở các diễn đàn trao đổi cách làm sao để tránh bớt việc lệ thuộc vào sử dụng hàng Trung Quốc, cũng như chia sẻ cùng nhau những nhãn hiệu hàng Việt Nam có chất lượng.
Thực tế, với sự hội nhập sâu rộng về kinh tế, việc “né” hoàn toàn sự lệ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc là điều gần như không thể. Trên một vài tờ báo, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, nhận xét việc “bế quan tỏa cảng” sẽ không có lợi bởi Việt Nam không thể tự sản xuất hết được mọi thứ mà chỉ mạnh ở một số lĩnh vực trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chưa kể, nếu triệt để cấm cửa những hàng hóa, công nghệ mang tính đầu vào của Việt Nam mà Trung Quốc có thế mạnh, thì thiệt hại sẽ nhiều hơn.
Tuy vậy, ông Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia) cho rằng, nhập khẩu những nguyên liệu, máy móc là đầu vào cho quá trình sản xuất thì còn chấp nhận được, song, nhập khẩu hàng trăm mặt hàng mà trong nước có thể sản xuất được, thậm chí sản xuất tốt, như cây tăm, đôi đũa… thì về lâu dài là không ổn. Phát biểu bên lề kỳ họp trên Báo VTC News, đại biểu Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét, kể cả khi nguồn nguyên liệu của Trung Quốc là tốt thì cũng nên tìm kiếm thêm nguồn từ quốc gia khác. “Ngay cả khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tốt đẹp thì chúng ta cũng không nên lệ thuộc vào họ” - ông Lịch nói.
Cần xác định rõ, Việt Nam không thể và cũng không nên tẩy chay bất kỳ hàng hóa của nước nào, kể cả nguyên liệu đầu vào lẫn hàng hóa tiêu dùng, bởi khi gia nhập các tổ chức thương mại hoặc tham gia các hiệp định kinh tế, tất cả đều phải tuân theo những thỏa thuận đã thiết lập. Vậy, câu trả lời nằm ở đâu?
Thực ra, điều tốt nhất Việt Nam có thể làm để né bớt sự lệ thuộc vào một nền kinh tế nào đó, chính là phải mạnh lên từ bên trong. Hàng hóa Việt phải thực sự thu hút được người tiêu dùng trong nước, tương tự hàng hóa Nhật Bản hay Hàn Quốc luôn được người tiêu dùng nước họ ưu tiên. Tinh thần dân tộc trong cách chọn lựa và tiêu dùng hàng hóa của Nhật hay Hàn được thấy rất rõ, họ thậm chí sẵn sàng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước ngay cả khi mặt hàng đó chưa thực sự thuyết phục bằng hàng ngoại. Vì họ hiểu, doanh nghiệp nước họ cần thời gian để lớn lên. Tổng giám đốc một công ty lớn chuyên về chăn nuôi và thực phẩm tại Đồng Nai mới đây chia sẻ, không có cách cạnh tranh nào tốt hơn bằng việc phải vận dụng mọi cách để người tiêu dùng xài hàng trong nước. Có lẽ, sau những căng thẳng vừa qua, đây là lúc mà cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng nên cân nhắc đến yếu tố dân tộc trong sản xuất và tiêu thụ - để Việt Nam có cơ hội mạnh lên từ nội lực.
Vi Lâm