Báo Đồng Nai điện tử
En

"Mua" gì ở chợ truyền thống?

09:04, 14/04/2014

Không tính đến các địa bàn nông thôn, nơi người dân không có lựa chọn nào khác hơn là mua hàng tại các chợ truyền thống, còn tại các đô thị, tiểu thương nhiều chợ đang kêu trời vì sức mua yếu.

Không tính đến các địa bàn nông thôn, nơi người dân không có lựa chọn nào khác hơn là mua hàng tại các chợ truyền thống, còn tại các đô thị, tiểu thương nhiều chợ đang kêu trời vì sức mua yếu. Những chợ “đình đám” được đầu tư lớn, như: Biên Hòa, Tân Phong, Tân Hiệp... tiểu thương đều “than” hàng ế, có nơi giảm đến 40-50% sức mua so với trước.

Điều gì đã xảy ra trong khi sức mua tại các siêu thị vẫn tăng đều? Câu trả lời xoay quanh mấy nguyên nhân quen thuộc: hàng siêu thị được kiểm soát chất lượng - giá cả ổn định, không gian mua sắm hiện đại hơn, nhân viên phục vụ tận tình và nhiều khuyến mãi hơn... Không thể phủ nhận, những điều này đã làm giảm đi sức cạnh tranh của chợ, và nó không chỉ xảy ra ở Đồng Nai. Tại nhiều đô thị trên cả nước, cùng với việc bùng nổ các kênh bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống ngày càng teo tóp. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện nay cả nước có trên 9 ngàn chợ truyền thống, giữ vai trò phân phối đến 80% lưu lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, góp phần giải quyết số lượng lao động lớn cho toàn xã hội. Tuy nhiên, các chợ truyền thống đang lâm vào tình cảnh ngày càng mất dần đi sức hút trước các kênh phân phối hiện đại khác. Không chỉ Đồng Nai mà TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... cùng các đô thị khác, tiểu thương chợ truyền thống cũng kêu trời vì sức mua giảm quá mạnh, dù là ở các thời điểm cao điểm mua sắm như lễ, tết. TP.Hồ Chí Minh thậm chí phải có một đề án sắp xếp lại mạng lưới chợ truyền thống để tăng sức cạnh tranh của chợ trong bối cảnh trung tâm thương mại và siêu thị ngày càng bành trướng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chợ vẫn có những sức sống vững bền của nó. Ngoài việc sắp xếp lại hệ thống chợ truyền thống, dẹp bớt chợ tự phát để tiểu thương không “giẫm chân” lên nhau, cần có những nghiên cứu kỹ hơn về ngành hàng kinh doanh trong chợ, đâu là ngành hàng thế mạnh, đâu là điểm yếu để vừa làm nên thương hiệu cho chợ, vừa giúp tiểu thương bớt vất vả cạnh tranh. Thêm vào đó là thái độ và cung cách bán hàng của tiểu thương, cần chuyên nghiệp và mềm mỏng hơn. Chợ đã ế, tiểu thương còn khó chịu, nói thách như một dạng “văn hóa” thì khó lòng buôn bán. Tại nhiều quốc gia có thị trường bán lẻ hiện đại phát triển, chợ truyền thống vẫn tồn tại, như những địa điểm mua sắm “không đụng hàng” cho cả người tiêu dùng trong nước và du khách.

Cái mà người tiêu dùng “mua” tại chợ bây giờ, có lẽ là sự gần gũi của tiểu thương, rau củ tươi ngon, cách buôn bán linh hoạt không cứng nhắc và lòng tin vào người bán hàng.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều