Một nhân viên làm ở một siêu thị lớn trong tỉnh nói, sự giảm sút của sức mua đang đáng lo ngại, thể hiện qua việc từ sau Tết Nguyên đán lượng khách đến siêu thị trong những ngày cuối tuần giảm hẳn.
Một nhân viên làm ở một siêu thị lớn trong tỉnh nói, sự giảm sút của sức mua đang đáng lo ngại, thể hiện qua việc từ sau Tết Nguyên đán lượng khách đến siêu thị trong những ngày cuối tuần giảm hẳn. Thay vì trước đó, khách hàng dồn cục chờ tính tiền mất cả giờ đồng hồ, thì nay ngay cả giờ cao điểm khách cũng không phải chờ. Siêu thị cũng đang lên kế hoạch giảm số lượng nhân viên.
Không chỉ siêu thị, các chợ truyền thống, trung tâm điện máy… cũng đang trong tình trạng sức mua yếu, hàng ế ẩm dù giá cả gần như không tăng. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 0,88% so với cuối năm 2013 - thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong 2 báo cáo mới công bố gần đây là báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2013 và Kinh tế vĩ mô 2013 - triển vọng 2014 thì nguyên nhân lạm phát thấp là do sức mua yếu và chậm phục hồi.
Tổng hợp từ Hiệp hội Siêu thị Hà Nội mới đây cho biết, giá bình quân mỗi giỏ hàng thanh toán tại siêu thị hiện đang ở quanh mức 240 ngàn đồng, thấp hơn mức 270 ngàn đồng/giỏ hàng tại thời điểm 3 tháng cuối năm 2013. Bên cạnh đó, khảo sát sức mua tại các chợ cho thấy, doanh thu bán lẻ cũng giảm khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2013. Hoạt động mua sắm của người dân cải thiện không đáng kể, khi mà sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị vẫn chiếm tới gần 70% là lương thực, thực phẩm.
Điều đáng lo ngại ở chỗ, tăng giá không phải là nguyên nhân khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Trong 4 tháng qua, mức tăng cao nhất thuộc về nhóm giao thông, chủ yếu là do tác động từ việc tăng giá các mặt hàng xăng, dầu các loại; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ với 0,15%.
Có lẽ còn khá sớm để lo lắng về tình trạng thiểu phát (lạm phát ở mức rất thấp) hay giảm phát (lạm phát âm) - vốn rất nguy hiểm với nền kinh tế đang phát triển - bởi chỉ mới 4 tháng trôi qua. Nhiều chuyên gia kinh tế trấn an rằng doanh số bán lẻ và sức cầu của nền kinh tế vẫn ổn, do đó chưa cần lo lắng quá đến 2 nguy cơ trên. Tuy vậy, sức mua giảm mạnh và độ phục hồi chậm sẽ tiếp tục là mối lo ngại lớn cho cả doanh nghiệp, nhà bán lẻ lẫn giới kinh doanh dịch vụ - nếu không sớm có những chính sách kích cầu hiệu quả.
Vi Lâm