Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vỡ trận" cụm công nghiệp

10:03, 03/03/2014

7 huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đang đề xuất UBND tỉnh cho "xóa sổ" 13 cụm công nghiệp (CCN) với lý do quy hoạch treo nhiều năm nhưng khả năng triển khai quá thấp (Báo Đồng Nai số ra ngày 3-3-2014 có bài viết về vấn đề này).

7 huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đang đề xuất UBND tỉnh cho “xóa sổ” 13 cụm công nghiệp (CCN) với lý do quy hoạch treo nhiều năm nhưng khả năng triển khai quá thấp (Báo Đồng Nai số ra ngày 3-3-2014 có bài viết về vấn đề này).

Theo Sở Công thương, Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 30-10-2012 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Đồng Nai được phê duyệt 1.799 hécta đất CCN. Sau khi rà soát lại quy hoạch các CCN, các địa phương đề xuất chỉ giữ lại 27 CCN với diện tích gần 1.450 hécta. Còn lại xin rút khỏi quy hoạch 13 CCN với diện tích gần 619 hécta.

Trong những CCN được giữ lại, chỉ có 2 cụm hoàn thành đầu tư hạ tầng là CCN gốm sứ Tân Hạnh, xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) và CCN vật liệu xây dựng Hố Nai 3, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Đây không phải là một câu chuyện mới. Nhìn rộng ra, Đồng Nai cũng không phải là địa phương duy nhất có các CCN không còn “hợp thời”, phải xóa sổ. Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Long An, TP.Hồ Chí Minh... và nhiều tỉnh, thành khác đều đã xóa sổ nhiều CCN quy hoạch lâu năm nhưng không thu hút được nhà đầu tư. Các địa phương này cũng đã phải xóa quy hoạch các CCN không hiệu quả, trả lại đất sạch cho người dân.

Quy hoạch hàng loạt CCN xuất phát từ việc Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từ đó nhiều địa phương tiến hành đề xuất quy hoạch, thành lập các khu công nghiệp và CCN. Phải thừa nhận, sự sốt ruột đó đã mang lại nhiều hiệu quả ở những khu công nghiệp và CCN gần đô thị, gần các đường giao thông huyết mạch. Nhiều nhà đầu tư đã đến và làm ăn thành công. Tuy vậy, những CCN hay khu công nghiệp phân bố ở vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông cách trở thì việc các nhà đầu tư không đến là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn mấy năm qua cũng góp sức dồn các CCN vào tình thế khó xoay trở hơn, khi các nhà đầu tư ngày càng ít ỏi và “kén cá chọn canh” hơn.

Nếu một dự án đã không hiệu quả, cách tốt nhất là dừng lại để trả lại đất cho người dân sau nhiều năm lửng lơ trong các quy hoạch CCN mà chẳng biết ngày nào mới triển khai được. Đây cũng nên xem là việc làm bình thường, bởi khi quy hoạch, địa phương cũng khó tiêu liệu trong những năm tới, nhu cầu đầu tư có tăng vọt hay không, kinh tế có khó khăn hay không… trong khi để chuẩn bị hạ tầng cho việc thu hút đầu tư sẽ mất nhiều năm, bắt đầu bằng quy hoạch.

Nói cho cùng, đây là việc làm mạnh dạn và đúng đắn. Minh chứng là nhiều người dân vô cùng vui mừng khi mảnh đất của họ sau nhiều năm “treo” trong tình trạng chờ mở CCN, không thể tách thửa, xây cất, sang nhượng… , nay được trả lại nguyên vẹn các quyền trên.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều