Báo Đồng Nai điện tử
En

Danh sách trang trại sạch, gia cầm sạch, tại sao không?

08:03, 11/03/2014

Có vẻ như cả giới truyền thông lẫn người tiêu dùng đang bị đặt vào một tình thế khó xử khi dịch cúm lan tràn. Phát sinh ổ dịch nào, báo chí lập tức thông tin về ổ dịch đó. Chỗ nào tiêm chủng chưa đủ, chỗ nào gà, vịt không kiểm dịch bày bán tràn lan cũng được đưa tin.

Có vẻ như cả giới truyền thông lẫn người tiêu dùng đang bị đặt vào một tình thế khó xử khi dịch cúm lan tràn. Phát sinh ổ dịch nào, báo chí lập tức thông tin về ổ dịch đó. Chỗ nào tiêm chủng chưa đủ, chỗ nào gà, vịt không kiểm dịch bày bán tràn lan cũng được đưa tin.

Dĩ nhiên, không có gì sai ở đây. Người tiêu dùng có quyền được biết mọi thông tin liên quan đến sự an nguy cho đời sống của mình. Tuy vậy, người tiêu dùng cũng cần được biết những sản phẩm từ gia cầm nào là an toàn để yên tâm sử dụng, vì người ta không thể ngừng hẳn việc ăn thịt, trứng hay các sản phẩm từ gia cầm, dù có dịch.

Thực tế, các bộ, ngành chăn nuôi và các cơ quan truyền thông trước nguy cơ nhà nhà treo chuồng vì giá gà, vịt xuống dốc, hàng trăm ngàn nông dân thua lỗ, cũng đã tính đến chuyện “giải cứu” người chăn nuôi” Nhưng giải cứu thế nào? Câu trả lời không khó, đó chính là sự minh bạch hóa: sản phẩm nào là sạch sẽ, an toàn; sản phẩm nào còn mập mờ chưa đảm bảo, để người tiêu dùng an tâm lựa chọn và người chăn nuôi không “chết”.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ ai đứng ra minh bạch chuyện này? Cục Thú y, Cục Chăn nuôi? Bộ Y tế hay Bộ Công thương? Mỗi con gà, con vịt đi từ trang trại đến bàn ăn người tiêu dùng phải qua cả chục khâu với trách nhiệm của nhiều ngành. Ngành nào cũng có quyền lên tiếng, phát biểu, cảnh báo, khuyên răn… và người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi đang bị rối lên giữa các thông tin đa dạng, nhiều chiều. Ngay cả chính quyền cũng trở nên bối rối giữa việc phải cân nhắc lợi ích giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi, “bỏ” bên nào, “buông” bên nào cũng “chết”.

Rõ ràng, người tiêu dùng cần một quy trình kiểm tra và công bố minh bạch hơn là chỉ một con dấu sơ sài bằng mực hằn trên miếng thịt gà - dấu hiệu mà độ tin cậy của chúng cũng đã nhiều lần được đặt ra. Mặt khác, ngay cả người chăn nuôi cũng cần những thông tin chính thống, chi tiết, kịp thời về cách phòng dịch, xu hướng dịch, sự lây lan biến thể, số lượng vaccine, các cách tiếp cận nguồn vaccine phòng dịch… để ứng xử với đàn gia cầm, với sản phẩm của mình.

Điều này mở ra một hướng đi là với những trang trại lớn có đăng ký, có tên tuổi, ở mỗi địa phương nên chăng cần có kho dữ liệu công bố công khai những trang trại nào đã chích đủ thuốc, đã kiểm dịch đầy đủ để người tiêu dùng theo dõi. Danh sách này cũng có thể cập nhật thêm mỗi ngày, thay đổi mỗi ngày tùy theo diễn biến thực tế của dịch. Bên cạnh đó, cũng cần công bố danh sách các điểm bán sản phẩm gia cầm an toàn để người tiêu dùng chọn lựa.

Danh sách này nên do cơ quan quản lý nhà nước thiết lập, cập nhật và quản lý để đảm bảo tính khách quan. Còn việc dùng kênh nào để công bố thông tin một cách chính xác và chính thống, làm sao để cập nhật dữ liệu đúng, kịp thời… là điều mà các ngành có trách nhiệm đến dịch cúm lần này cần suy nghĩ.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều