Như thường lệ, cuối tháng 3, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của năm trước đó - năm 2013.
Như thường lệ, cuối tháng 3, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của năm trước đó - năm 2013.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 là năm thứ 9 đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Báo cáo là tập hợp “tiếng nói” của 8.093 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, báo cáo cũng phản ánh cảm nhận của 1.609 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh tại Việt Nam dưới góc độ một điểm đến đầu tư quốc tế.
Xin được nói rằng, PCI cũng như sách trắng (whitebook) của EuroCham (Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu), chỉ là một trong những công bố có tính tham khảo của một tổ chức, không đại diện cho 100% doanh nghiệp. Song bằng cách làm bài bản, những báo cáo này ngày càng chứng tỏ uy tín và được công chúng lẫn các nhà đầu tư quan tâm.
Được đánh giá cao nhất trong PCI năm 2013 là 2 tỉnh miền Trung: Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế, 2 địa phương này vượt trội so với các tỉnh khác ngay trong nhóm có chất lượng điều hành dán nhãn “Rất tốt”. Cho đến trước năm 2011, Đà Nẵng liên tục giành vị trí thứ nhất hoặc thứ nhì trong bảng xếp hạng PCI hàng năm.
Nhóm “Rất tốt” cũng chưa bao giờ vắng bóng các trường hợp thành công từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long: năm nay tiếp tục là Đồng Tháp (63,35 điểm) và Kiên Giang (63,55). Kể từ lần đầu công bố PCI đến nay, Đồng Tháp chưa bao giờ xếp hạng dưới 11, và đã từng đạt thành tích cao nhất là vị trí số 1 vào năm 2012. Kiên Giang cũng vươn dần lên thứ hạng cao qua nhiều năm liền (xếp thứ 6/63 năm ngoái). Quảng Ninh (với thứ hạng trung bình là 18 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2010) và Bến Tre (thứ hạng trung bình là 16 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2008) cũng là những gương mặt quen thuộc trong đội hình dẫn đầu PCI.
Thực tế là mấy năm gần đây, nhóm các tỉnh dẫn đầu của PCI chưa khi nào có tên Đồng Nai. 2012 và 2011, tỉnh cũng bị tụt hạng dần và rơi khỏi nhóm các tỉnh, thành có chỉ số PCI cao. Năm 2013, chỉ duy nhất ở chỉ tiêu “cơ sở hạ tầng”, Đồng Nai lọt top 10 tỉnh, thành tốt nhất, còn lại các chỉ tiêu khác, như: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh minh bạch… chỉ đều xếp ở hạng “tầm tầm”. Chung nhất, Đồng Nai xếp hạng thứ 40 về chỉ số năng lực cạnh tranh 2013, là đơn vị cuối cùng của 27 địa phương nằm trong nhóm “Khá”, đạt 56,93 điểm, trong khi các tỉnh, thành cùng khu vực lần lượt đạt cao hơn: Bà Rịa - Vũng Tàu 56,99; Bình Dương 58,15 và TP. Hồ Chí Minh đạt 61,19 điểm.
Dù chỉ là một bảng xếp hạng có tính tham khảo, nhưng rõ ràng PCI đã trở thành kênh thông tin đáng chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định đầu tư tại một địa phương nào đó. Với thứ hạng không có gì nổi bật, thậm chí sụt giảm trong các năm qua, Đồng Nai được đánh giá ở mức “tầm tầm”, không quá thấp nhưng cũng chẳng quá cao, chưa xứng với vị trí là một trong những địa phương đầu tàu về kinh tế. Vì thế, việc mấy năm liền nằm ở mức trung bình khá trong bảng xếp hạng, có lẽ là điều cũng cần suy nghĩ với tỉnh nhà khi vẫn mong muốn thu hút đầu tư nhiều hơn nữa.
Kim Ngân