Chỉ trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhiều "đại gia" bán lẻ thế giới đã ào ạt vào Việt Nam, như: Metro, BigC, Lotte Mart, Aeon, Family Mart... và sắp tới có thể là Walmart - một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ Mỹ.
Chỉ trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhiều “đại gia” bán lẻ thế giới đã ào ạt vào Việt Nam, như: Metro, BigC, Lotte Mart, Aeon, Family Mart... và sắp tới có thể là Walmart - một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ Mỹ. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte Mart, đã mở 4 trung tâm thương mại tại TP.Hồ Chí Minh và dự định sẽ có 60 cửa hàng trên khắp đất nước từ nay tới 2020. Aeon, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đã mở chi nhánh đầu tiên của mình ở Việt Nam vào giữa tháng 1-2014 tại TP. Hồ Chí Minh; chi nhánh thứ 2 tại Bình Dương Canary Mall, dự kiến sẽ khai trương vào tháng 10 năm nay. Có mặt ở Việt Nam được 15 năm, Tập đoàn BigC cũng đã có 24 siêu thị trên toàn quốc.
Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, sự đa dạng của thị trường làm hàng hóa phong phú, nhiều lựa chọn hơn, đồng thời thói quen mua sắm cũng hiện đại hơn. Tuy nhiên, về yếu tố cạnh tranh, sự “đổ bộ” của các nhà bán lẻ lớn có thể làm doanh nghiệp trong nước lo lắng khi các hệ thống bán lẻ trong nước phát triển chậm hơn và thương hiệu yếu hơn. Đến hiện tại, gần như mới chỉ có Co.opMart là hệ thống bán lẻ tổng hợp đang theo sát nút tốc độ mở rộng của các nhà bán lẻ nước ngoài, không kể đến các nhà bán lẻ chuyên ngành, như: Nguyễn Kim, Viễn Thông A hay FPT. Một số nhà bán lẻ trong nước khác, như: Vinatex, Siêu thị Hà Nội, Fivimart hay Maximart cũng chỉ có số lượng ít và phân bố tại một số thành phố lớn nhất nước. Các nhà bán lẻ trong nước hiện đang bị cho là thua kém về nhiều mặt: vốn, chủng loại hàng hóa, dịch vụ chuyên nghiệp và thậm chí là giá cả. Nhiều mặt hàng tại các siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam có giá rất rẻ do họ xoay xở được nguồn cung dồi dào và ổn định.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng theo từng năm, do đó chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ ngày một nhiều hơn, dẫn đến thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của nhà đầu tư, vì tại các quốc gia phát triển thị trường đã trở nên bão hòa với quá nhiều nhà bán lẻ. Trong báo cáo nghiên cứu về “Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014” của tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đầy sức hút nhờ quy mô thị trường và số lượng người tiêu dùng. Với khoảng 90 triệu dân nhưng mới chỉ có 638 siêu thị, 120 trung tâm thương mại và trên 1 ngàn cửa hàng tiện ích, con số này được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Dự báo, trong năm 2014 doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng đến 23%/năm.
Suy nghĩ của người tiêu dùng về bán lẻ thật sự đang ngày một thay đổi theo chiều hướng hiện đại hơn. Ngoài việc chú ý đến chất lượng và thương hiệu của từng mặt hàng cụ thể, người tiêu dùng hiện nay còn chọn lựa thương hiệu của chính những nhà bán lẻ khi có nhu cầu mua hàng. Tùy vào đặc điểm phục vụ của từng nhà bán lẻ, họ có thể chọn Metro, Aeon hay BigC để có thể mua sắm tốt nhất theo nhu cầu của mình. Chính vì vậy, để giữ khách trên chính sân nhà, các nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều thử thách phải vượt qua.
Vi Lâm