Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồ ăn nhanh, tăng trưởng nóng

10:02, 10/02/2014

Sự kiện thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald's mở cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh ngày 8-2 vừa qua với cả ngàn người rồng rắn xếp hàng để chờ mua, vốn đã gây xôn xao dư luận từ trước đó.

Sự kiện thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s mở cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh ngày 8-2 vừa qua với cả ngàn người rồng rắn xếp hàng để chờ mua, vốn đã gây xôn xao dư luận từ trước đó.

Dưới góc độ kinh tế, việc thương hiệu này mở cửa hàng tại một nước Đông Nam Á sau hơn 20 năm tạm ngưng mở rộng tại khu vực này là một điều đáng quan tâm. Báo Thanh Niên dẫn lời của hãng tin AFP cho biết, với thị trường có hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng ấn tượng từ mức 402 USD/người vào năm 2000, lên mức 1.896 USD/người vào năm 2013 (theo số liệu thống kê của Bloomberg), Việt Nam đang “lọt vào tầm ngắm” của các thương hiệu Mỹ.

Chỉ một cửa hàng với chỉ số Big Mac (chỉ số sức mua tương đương) nổi tiếng, theo nhiều ý kiến, có thể phần nào cho thấy kinh tế Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ vẫn đạt những mức tăng trưởng ấn tượng, thu nhập bình quân đầu người của người dân đô thị tăng đủ để McDonald’s tin rằng họ có thể bỏ gần 5 USD cho một phần thức ăn nhanh.

Thật ra, do McDonald’s gắn liền với chỉ số Big Mac lừng danh nên được quan tâm nhiều, chứ trên thực tế, trước McDonald’s, hàng loạt chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đến từ nhiều nước đã được phổ cập và nhân rộng tại Việt Nam. Người tiêu dùng Biên Hòa cũng không lạ gì với các cửa hàng KFC, Burger King, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut..., vốn ngày càng thu hút đông đảo khách hàng trẻ. Sự có mặt của những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh chứng tỏ thêm một điều là, thu nhập bình quân của người dân đô thị tăng nhanh, và họ đang chi tiêu nhiều hơn cho các nhu cầu ăn uống, giải trí, bởi tại bất cứ cửa hàng nào, một suất thức ăn nhanh đều không hề rẻ. Trong khi một ổ bánh mì kẹp thịt truyền thống chỉ từ 10 - 15 ngàn đồng, thì một suất hamburger tại các cửa hàng thức ăn nhanh rẻ lắm cũng từ 30 ngàn đồng. Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng doanh số của ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam năm 2011 ước tính đạt 870 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, thị trường thức ăn nhanh đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại là bên cạnh xu hướng sử dụng thức ăn nhanh đang dần hình thành ở trẻ em và thanh niên Việt Nam với những ảnh hưởng tới sức khỏe. Người ta không xa lạ gì với hình ảnh những người nước ngoài to lớn nghiện thức ăn nhanh đến độ béo phì, và hình ảnh này cũng không còn hiếm gặp tại Việt Nam, nếu bỏ thời gian quan sát tại các cửa hàng thức ăn nhanh hiện tại. Trong khi nhiều quốc gia đang có xu hướng tẩy chay các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, chuyển sang các loại thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe thì Việt Nam cùng một số nước lại mở cửa đón nhận nhiều chuỗi cửa hàng dạng này, góp phần hình thành các xu hướng ăn uống nhanh, gọn đi kèm không gian giải trí thư giãn sành điệu, nhưng lại bất lợi cho sức khỏe.

Kinh doanh là bình đẳng, nhưng dưới góc độ sức khỏe người dân, đặc biệt khi tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì đang tăng mạnh tại các đô thị, thì cũng cần cân nhắc thêm khía cạnh này khi đồng ý để các chuỗi cửa hàng thức ăn sản xuất theo dạng công nghiệp mở rộng tại Việt Nam, trước khi phải “báo động đỏ” như nhiều nước khác.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều