Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vốn hạ tầng

09:01, 13/01/2014

Hơn 62 ngàn tỷ đồng là số vốn mà ngành giao thông đã giải ngân để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng từ các nguồn, như: ngân sách, trái phiếu chính phủ…

Hơn 62 ngàn tỷ đồng là số vốn mà ngành giao thông đã giải ngân để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng từ các nguồn, như: ngân sách, trái phiếu chính phủ… Con số này được công bố trong hội nghị trực tuyến của Bộ Giao thông - vận tải, diễn ra vào ngày 9-1 vừa qua. Ngoài ra, tính đến hết năm 2013, tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đạt khoảng 117 ngàn tỷ đồng từ 48 dự án BOT.

Có thể thấy, nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng giao thông ở thời điểm này là vô cùng nóng. Đâu đâu trên khắp đất nước cũng cần có cầu mới, đường mới, cảng mới, sân bay mới, hoặc phải nâng cấp những công trình cũ nhằm đủ sức phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế nhanh, mạnh hiện nay.

Đồng Nai không phải là ngoại lệ. Giai đoạn 2011-2015 được coi là giai đoạn then chốt, cần có những đột phá mạnh mẽ trong khâu phát triển hạ tầng trên địa bàn. Song, vốn liếng luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Trong phần giải thích tại buổi họp báo vào ngày cuối cùng của năm 2013 tại UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết phần vốn dành cho phát triển hạ tầng được trích từ nguồn thu ngân sách hàng năm, sau khi đã nộp về trung ương chỉ còn lại trên dưới vài ngàn tỷ đồng cho cả năm, không thấm tháp gì, bởi thực tế chi phí bồi thường giải tỏa cho các dự án luôn lớn hơn phí xây lắp. Với một đoạn đường dài hơn 10km, vốn đầu tư đã lên đến hàng ngàn tỷ. Nếu dồn toàn bộ vốn đầu tư hạ tầng trong một năm lại thì Đồng Nai giỏi xoay xở lắm cũng chỉ làm được một con đường vừa phải. Muốn có thêm vốn, buộc phải huy động, kêu gọi, tạo môi trường đầu tư để các nguồn khác, như: kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách, BOT, khai thác quỹ đất, PPP… chịu “chảy” vào hạ tầng.

Nhìn rộng ra, không phải chỉ riêng Đồng Nai hay Việt Nam khát vốn hạ tầng, mà Đông Nam Á hiện đang là điểm tập trung của đầu tư phát triển hạ tầng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bởi nhu cầu làm mới cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế nóng bỏng tại đây. Theo Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính Đông Nam Á, một trong những điểm phát triển nhanh nhất thế giới, sẽ trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư cho các dự án hạ tầng vì cần đến 600 tỷ USD trong một thập niên tới. Trong đó, quốc gia lớn nhất khu vực này là Indonesia cần đến 150 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều phân tích cũng chỉ ra những hạn chế, như: lợi nhuận không hấp dẫn, nạn quan liêu trong các thủ tục hành chính, sự bất ổn trong quản lý... có thể đẩy lùi ý muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng của các nhà đầu tư. Thực tế tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông đã “sa lầy” (thường là hình thức BOT) bởi sự thay đổi chóng vánh về lãi suất, lưu lượng xe và cả những cam kết của chính quyền đã khiến thời gian thu hồi vốn của họ dài ra, thậm chí cầm chắc thua lỗ. Từ góc nhìn này để thấy rằng, việc mời gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách cho hạ tầng giao thông là không dễ dàng, do đó cần phải bắt nguồn từ một môi trường minh bạch, rõ ràng cho nhà đầu tư dễ tính toán chuyện thu hồi vốn trước khi quyết định bỏ tiền vào lĩnh vực này.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều