Sau rất nhiều thăng trầm, nông nghiệp vẫn được đánh giá là bệ đỡ của cả nền kinh tế, vì thế mô hình "4 nhà" được xem là cứu cánh của nông nghiệp khi đưa ra một chuỗi khép kín: nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.
Sau rất nhiều thăng trầm, nông nghiệp vẫn được đánh giá là bệ đỡ của cả nền kinh tế, vì thế mô hình “4 nhà” được xem là cứu cánh của nông nghiệp khi đưa ra một chuỗi khép kín: nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.
Trong đó, quan hệ giữa hai nhà: nhà nông và nhà doanh nghiệp là một mối quan hệ khá “nhạy cảm”. Cách làm phổ biến ở nhiều vùng là doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định rồi tổ chức, đầu tư vốn cho nông dân mua giống, phân bón, thuê công thợ… sản xuất ra thành phẩm bán cho doanh nghiệp với giá đã thỏa thuận, có lãi sau khi đã trừ chi phí. Nông dân chỉ lo tập trung sản xuất, năng suất càng cao càng có lời, không cần bận tâm đến đầu ra.
Nhưng ở nhiều nơi, nông dân đã xé rào. Rất đơn giản, khi vào mùa thu hoạch, thương lái mua với giá cao hơn chút đỉnh so với giá doanh nghiệp đã thỏa thuận, nhiều người thay vì bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng, đã chuyển sang bán cho thương lái. Báo Tuổi Trẻ phản ánh, tháng 7-2013, Công ty lương thực Tiền Giang đã có tranh chấp với nông dân xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy bởi dù đã hợp đồng, thỏa thuận và đầu tư đầy đủ, tới mùa vụ nông dân vẫn gom lúa bán cho thương lái vì họ mua cao hơn giá công ty từ 50 - 100 đồng/kg.
Chuyện này cũng không quá lạ ở Đồng Nai. Cách đây mấy năm, một công ty ký được hợp đồng xuất khẩu sầu riêng sang Mỹ, bèn tạo vùng nguyên liệu đều đặn cho mình bằng cách đầu tư đầu vào cho nông dân 4 tỉnh lân cận với diện tích lên đến hàng ngàn hécta. Số tiền đầu tư vào giống, thuốc, phân lên đến nhiều tỷ đồng, chưa kể phải hướng dẫn rất tỉ mỉ, gắn mã số cho từng gốc sầu riêng để cho ra sản phẩm sạch, đủ chuẩn xuất khẩu. Công ty ký hợp đồng mua sản phẩm với giá 18 ngàn đồng/kg - một mức giá khá cao. Tuy vậy, khi đến mùa thu hoạch rộ, thương lái thấy sầu riêng chất lượng cao đã vào mua với giá cao hơn 2 ngàn đồng/kg. Nông dân ào ạt bán cho thương lái khiến doanh nghiệp muốn tăng giá thêm để mua được hàng cũng không kịp trở tay. Hợp đồng gãy đổ, đến nay vẫn chưa hồi phục. Tương tự, một lão nông trồng mì (sắn) với diện tích hàng trăm hécta cho biết, doanh nghiệp cũng rất ngại ngần khi đầu tư cho họ trồng mì, bởi khi thu hoạch, thì chỉ cần giá bên ngoài cao hơn vài trăm đồng/kg, nông dân lại “xé” hợp đồng.
Ông giám đốc công ty sầu riêng nọ nói, doanh nghiệp đủ chứng cứ pháp lý để kiện nông dân đã phá hợp đồng. Nhưng, thứ nhất, họ không nỡ kiện. Thứ hai, việc kiện hàng trăm hộ dân với những tổn hao lâu dài về thời gian, tiền bạc lẫn uy tín khiến ai cũng ngại ngần. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” và không còn chút hào hứng nào với việc đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nữa,
Rõ ràng ở đây, chữ tín của nông dân là vấn đề cần đặt ra, bởi khi đã hội nhập, họ cũng là một đối tác làm ăn với doanh nghiệp với đầy đủ những quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, không thể hồn nhiên quá đỗi.
Vi Lâm