Chỉ mới có thâm niên phát triển trên 10 năm tại Việt Nam, nhưng hiện tại thị trường đã có đến 1.800 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và bán thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng với khoảng trên 10.000 loại.
Chỉ mới có thâm niên phát triển trên 10 năm tại Việt Nam, nhưng hiện tại thị trường đã có đến 1.800 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và bán thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng với khoảng trên 10.000 loại. Số liệu này được cung cấp cho giới truyền thông trong hội thảo “Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do Bộ Y tế phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 30-11.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam không còn lạ lẫm gì với thực phẩm chức năng trị “bách bệnh”: ung thư: uống; tiểu đường: uống; đau khớp: uống, thậm chí chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không bị gì cũng… uống, vì được giới thiệu bồi bổ sức khỏe, bổ sung vi chất…
Thực tế phát sinh là nhiều người bỏ ra hàng triệu đồng mua thực phẩm chức năng với sự tin tưởng đây chính là “thần dược” giúp chữa nhiều loại bệnh nan y, mãn tính, hoặc có tác dụng lớn trong việc trì kéo tuổi xuân. Sau nhiều lần sử dụng, tác dụng không như ý, một số người quay sang kỳ thị loại sản phẩm này. Báo Thanh Niên dẫn lời các chuyên gia tại hội thảo cho biết, Mỹ vẫn được coi là thị trường lớn nhất, đặc biệt là về các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, tiếp theo là thị trường Tây Âu và Nhật Bản. Tại các quốc gia phát triển này, việc người dân sử dụng thực phẩm chức năng để tự bảo vệ sức khỏe ngày càng gia tăng, thậm chí khoảng 70% dân số Mỹ đã sử dụng thường xuyên nhưng vẫn theo khuyến cáo của bác sĩ.
Song vấn đề là ở chỗ, tại Việt Nam, quản lý mặt hàng thực phẩm chức năng từ khâu nhập khẩu, sản xuất, kiểm định chất lượng, quy định giá cả đến quảng cáo đều… có vấn đề. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng bị “dội bom” thông tin, dẫn đến mua hàng vô tội vạ, uống vô tội vạ, hoặc mua phải những sản phẩm chất lượng bình thường nhưng giá rất cao. Không hẹn mà gặp, nhiều loại thực phẩm chức năng đến tay người tiêu dùng thông qua con đường bán hàng đa cấp, với giá bán đã được đẩy lên nhiều lần so với giá gốc.
Cũng tại hội thảo, PGS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế lo ngại: “Hiện nay Bộ y tế cấm bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Nên lâu nay thực phẩm chức năng được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng, qua chính những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế đưa hàng tới tay người tiêu dùng”. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, nếu để bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng, nhà quản lý liệu có quản được nếu chính bác sĩ đó kê đơn thực phẩm chức năng theo… hoa hồng của doanh nghiệp? Nếu giải tỏa được vướng mắc này, thì bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng là điều tốt.
Người ta có thể dễ dàng khuyên người tiêu dùng hãy “thông minh hơn một chút” khi bỏ tiền mua thực phẩm chức năng, giống như các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, có những mặt hàng mà việc dùng đầu óc bình thường để xem xét về chất lượng, có cần thiết sử dụng hay không, nguồn gốc xuất xứ, tác dụng phụ… là rất khó, nhất là ở thời điểm thị trường bành trướng mạnh mẽ và cuộc cạnh tranh bán hàng rất khốc liệt như hiện nay. Vậy nên, như PGS.TS Truyền lo ngại, thực phẩm chức năng là một ân huệ của thế kỷ 21 như nhiều ý kiến ca ngợi, hay trở thành một trò lang băm lừa gạt người mua, tất cả phụ thuộc vào nhà quản lý.
Vi Lâm