Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắc rối hàng nhãn riêng

10:12, 23/12/2013

Sản xuất và phân phối hàng nhãn riêng dường như đã trở thành "mốt" của các siêu thị, thể hiện qua số lượng và chủng loại hàng nhãn riêng không ngừng được nhân lên trong vài năm qua. Các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam hầu như đều đã tham gia thị trường này.

Sản xuất và phân phối hàng nhãn riêng dường như đã trở thành “mốt” của các siêu thị, thể hiện qua số lượng và chủng loại hàng nhãn riêng không ngừng được nhân lên trong vài năm qua. Các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam hầu như đều đã tham gia thị trường này. Metro Cash & Carry đã giới thiệu đến người tiêu dùng khoảng 6 hàng nhãn riêng, như: Aro, Fine Food, Fine Dreaming… với các nhóm hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, thiết bị văn phòng. BigC cũng đã phát triển hệ thống hàng nhãn riêng khá chuyên nghiệp, nổi bật là nhãn hàng WOW với khoảng 150 mặt hàng, thực phẩm chế biến eBon với 50 sản phẩm, thậm chí là hàng thời trang riêng với nhãn hiệu BF. Hệ thống Co.op Mart cũng đã tung ra hàng trăm mặt hàng nhãn hiệu Co.op Mart, góp mặt mỗi ngày một dày hơn trong cơ cấu hàng hóa bán tại các siêu thị.

Có nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau về việc kinh doanh hàng nhãn riêng của các siêu thị. Điều này phụ thuộc vào việc người bày tỏ quan điểm là doanh nghiệp hay phía nhà bán lẻ.

Về phía doanh nghiệp, hàng nhãn riêng đôi khi như “một miếng khi đói” - là khi siêu thị đề nghị họ gia công hàng nhãn riêng cho mình khi thị trường khó khăn, sức mua yếu. Điều này xem như vừa giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, hàng vẫn bán được, còn phía siêu thị thì có hàng rẻ để bán và vẫn đảm bảo chất lượng tương tự như hàng có nhãn hiệu của chính doanh nghiệp.

Song, trước sự bành trướng của các nhãn hàng riêng, hàng của doanh nghiệp có nguy cơ bị chính hàng mà mình sản xuất cho siêu thị đè bẹp, khi siêu thị tận dụng lợi thế của mình để bán hàng: đưa hàng nhãn riêng vào những kệ hàng vừa mắt, dễ thấy, khuyến mãi nhiều, giá thấp… Trong khi hàng của doanh nghiệp rơi vào những kệ hàng chẳng mấy ai để mắt, giá lại cao hơn. Một cách khôn ngoan, không nói thẳng nhưng nhiều siêu thị vẫn úp mở cho người tiêu dùng thông điệp: “Hàng nhãn riêng là hàng được đặt làm bởi các doanh nghiệp A,B,C uy tín trên thị trường, do đó chất lượng như nhau mà giá lại rẻ hơn 20-30%”. Lâu dần, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ rơi vào thế bí, thậm chí biến việc gia công hàng nhãn riêng thành việc chính của mình.

Phía siêu thị lại cho rằng, nói hàng nhãn riêng “thôn tính” doanh nghiệp là nói quá, bởi nhận lời gia công hay không là ở doanh nghiệp, thêm nữa, hàng nhãn riêng chỉ bán ở các siêu thị, kênh ở ngoài hầu như không có.

Thật khó để chọn bênh vực ai, bởi cả siêu thị lẫn phía doanh nghiệp đều có lý. Hơn thế nữa, đối tượng quan trọng nhất là người tiêu dùng lại được lợi vì có thêm những lựa chọn an toàn và hợp lý. Chính vì vậy, trong việc giành phần thắng trên miếng bánh thị trường, cả siêu thị lẫn doanh nghiệp đều phải cân nhắc lợi ích của mình. Doanh nghiệp có thể chọn vài mặt hàng phổ thông để gia công, giữ lại những mặt hàng chiến lược, đồng thời chú trọng đến kênh bán hàng truyền thống, bớt lệ thuộc siêu thị, giảm giá thành để hàng có giá cạnh tranh hơn; hoặc can đảm nói không với siêu thị và tự mình khai phá hướng đi của riêng mình, đảo ngược sự lệ thuộc vào các nhà bán lẻ. Bởi trên thực tế, các siêu thị cũng phải chạy đua giành giật các hợp đồng bán hàng đối với những mặt hàng thực sự chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Họ sẽ mất cảm tình nếu vào siêu thị A mà tìm mãi không thấy mặt hàng nhãn hiệu B. Và trọng tài ở đây chính là những người bỏ tiền mua sản phẩm.

Kim Ngân

Tin xem nhiều