Người tiêu dùng cả nước mấy ngày nay đang rúng động bởi thông tin 160 ngàn lọ thuốc kích thích tăng trưởng từ Trung Quốc chuyển về Hà Nội tiêu thụ bị giữ lại ở cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn).
Người tiêu dùng cả nước mấy ngày nay đang rúng động bởi thông tin 160 ngàn lọ thuốc kích thích tăng trưởng từ Trung Quốc chuyển về Hà Nội tiêu thụ bị giữ lại ở cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn).
Theo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), 22 giờ ngày 5-12, tại địa phận huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, lực lượng liên ngành đã kiểm tra một xe ô tô tải và phát hiện xe chở 160 ngàn ống chứa hóa chất (loại 2ml/ống), được vùi kỹ giữa 55 tấn đậu xanh. Toàn bộ số hóa chất trên in nhãn mác Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Trước đó, ngày 13-11, cơ quan chức năng Hà Nội cũng phát hiện và tạm giữ 1 xe tải chở 80 ngàn tuýp thuốc kích thích tăng trưởng dùng cho rau mầm. Theo thông tin trên bao bì, thuốc này có khả năng làm rau mầm mọc cao thêm tới 2cm chỉ trong 4-5 giờ. Trong lô thuốc có 80 ngàn tuýp thuốc kích thích cây trồng tăng trưởng. Thuốc ở dạng lỏng trong suốt, được in nhãn hiệu ngoài bao bì bằng tiếng Trung Quốc.
Mặc dù cơ quan chức năng cho biết sẽ đem số thuốc trên đi giám định, song ai cũng hiểu, nếu rau mầm và giá chỉ mọc trong vài tiếng đồng hồ, thì khả năng sạch và an toàn hầu như là không thể!
Mới đây nhất, ngày 6-12, Công an tỉnh Tiền Giang lại bắt quả tang một nhóm người nước ngoài lẫn người Việt Nam đang bơm hóa chất vào sầu riêng. Theo Báo Tuổi Trẻ, các nhân công ở đây cho biết mỗi thùng trên 40 lít thuốc có thể nhúng được 700 trái sầu riêng lớn, nhỏ. Mỗi ngày cơ sở này sử dụng khoảng 10 thùng thuốc do người Thái Lan pha chế.
Người tiêu dùng đang bị bao vây giữa những thông tin rất đáng lo ngại từ những nhúm rau, cọng giá hàng ngày. Cái đáng sợ ở đây không còn dừng ở chỗ hàng hóa, nông sản độc hại tràn vào “đầu độc” người ăn, mà càng ngày càng mang tính “gốc rễ” hơn: công nghệ sản xuất “bẩn” với những chiêu trò đầy độc hại đã được nhiều người trong nước áp dụng theo.
Tại Việt Nam, hầu như người ta chưa thể sản xuất được các loại hóa chất dùng để làm chín, bảo quản, đổi màu… trái cây, nông sản, thịt cá, mà hầu hết được nhập khẩu (hoặc nhập lậu) từ nước ngoài vào Việt Nam, Cùng với đó, là những “hướng dẫn sử dụng”, “quy trình” được truyền tai nhau từ người bán đến người sản xuất, đơn giản và nhanh gọn. Nhiều cơ sở sản xuất giá đậu, một vựa trái cây… không còn xa lạ với việc làm sao để giá mọc nhanh, làm sao để rau muống chẻ tươi xanh, quả dừa không bị thâm đen mà vẫn trắng trẻo dù bán ế cả ngày… Người tiêu dùng lạc giữa ma trận những “mẹo vặt”, những “quy trình sản xuất” cấp tốc và độc hại, không thể nào phân biệt. Có lẽ vì thế mà trào lưu “né là tốt nhất”, áp dụng với các loại nông sản đã từng có “tai tiếng”, như: táo, lê, khoai tây, cà rốt, gừng… của người tiêu dùng Việt Nam đã làm lao đao không ít những người làm ăn chân chính.
Thiếu kiểm soát, thiếu cơ chế phạt nặng đối với những loại hóa chất độc hại áp dụng trong sản xuất thực phẩm, nông sản có thể sẽ thành con đường nhanh chóng nhất để biến nhiều người sản xuất Việt Nam trở nên ma mãnh và bất chấp hậu quả để kiếm lãi, thông qua những “quy trình sản xuất” đơn giản và nhanh gọn, có khi chỉ cần một vài lọ thuốc.
Vi Lâm