Rất nhiều quan điểm đã được đưa ra trong và sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII về bảo hộ ngành mía đường trong nước.
Rất nhiều quan điểm đã được đưa ra trong và sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII về bảo hộ ngành mía đường trong nước. Sau khi một đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn về việc Hoàng Anh Gia Lai xin nhập 30 ngàn tấn đường thô từ Lào vào Việt Nam rồi hợp tác với Công ty cổ phần đường Biên Hòa tinh luyện ra đường tinh để lấy lợi nhuận. Hành động này bị phản ứng một cách gay gắt từ nhiều phía.
Phần lớn các ý kiến bên ngoài nghị trường chủ yếu đều đến từ các nhà sản xuất đường trong nước, cụ thể là VSSA - Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Những phản biện hầu hết dựa trên cơ sở nhập đường về tinh luyện rồi bán, sẽ gây khó khăn lớn cho nông dân trồng mía trong nước do bị cạnh tranh mạnh khi giá đường trong nước luôn luôn cao hơn giá đường nhập từ Thái Lan, Lào hay Trung Quốc. Nhưng, đảo ngược lại vấn đề, vì sao ngành mía đường lại phản ứng mạnh trước 30 ngàn tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai - một con số không lớn?
Nguyên nhân là do ngành đường trong nước đang vất vả xoay trở để cạnh tranh với đường lậu ngay trên sân nhà. Miếng bánh thì có hạn, trong khi người muốn “ăn” lại quá nhiều. Ngoài số đường buộc phải nhập khẩu chính ngạch hàng năm theo đúng cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam đang là “thiên đường” của đường lậu từ các quốc gia lân cận. Chưa kể đường lậu từ Trung Quốc, số liệu thống kê từ VSSA cho thấy, đường lậu từ Thái Lan tuồn vào nội địa gia tăng đáng kể trong vài ba năm gần đây, từ 300 ngàn tấn năm 2011 lên 500 ngàn tấn năm 2012 và dự kiến năm nay chiếm khoảng gần 1/3 trong tổng số 1,6 triệu tấn đường tiêu thụ của cả nước.
Gốc gác vấn đề ở chỗ, ngành mía đường Việt Nam đang sản xuất ra những sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trầm trọng về giá. Nông dân được bảo hộ giá mía, nhưng lại không thể giàu lên do hao hụt nhiều, năng suất thấp, diện tích trồng nhỏ nhoi, manh mún. Theo Báo Sài Gòn Tiếp Thị, các tính toán cho thấy, trong vòng khoảng 20 năm qua, năng suất mía của Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 60 - 70 tấn hécta, chữ đường thấp, trong khi nông dân Thái trồng được 100 tấn, chữ đường hơn hẳn của Việt Nam. Điều này là nguyên nhân chính khiến giá đường sản xuất trong nước cao hơn hẳn các quốc gia khác, khiến đường lậu tràn vào.
Nhiều quan điểm cho rằng, bảo hộ cho nông dân là đúng, song phải dựa trên sự hài hòa lợi ích từ nhiều phía: doanh nghiệp - nông dân - nhà nước, và quan trọng nhất là người tiêu dùng. Hiện tại, với khoảng 1,6 triệu tấn đường mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả nhiều hơn 4,3 ngàn tỷ đồng để mua đường so với người tiêu dùng trong khu vực. Câu hỏi đặt ra: 4,3 ngàn tỷ đồng này liệu có để đầu tư cho nông dân đúng mức theo như “viện dẫn” của các thành viên VSSA?
Nhà nước bảo hộ, người tiêu dùng trả giá cao là để hỗ trợ nông dân và hỗ trợ ngành mía đường phát triển. Về trách nhiệm, VSSA cần phải chú trọng thực sự đến việc tận dụng những lợi thế đang có để đổi mới công nghệ, đầu tư bài bản, tăng năng suất, giảm giá thành và tự đứng trên đôi chân của mình, thay vì chỉ chú tâm phản ứng việc xuất - nhập đường như thời gian qua, và tránh để việc bảo hộ rơi vào thế “vỡ trận”, chẳng có lợi cho ai - như cách mà ngành công nghiệp ô tô đã và đang vướng phải.
Vi Lâm