Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo 60 tỷ USD

09:11, 19/11/2013

Sự lớn mạnh, tăng nhanh của thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia khác luôn là niềm tự hào của một quốc gia mới hơn 25 năm mở cửa.

Sự lớn mạnh, tăng nhanh của thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia khác luôn là niềm tự hào của một quốc gia mới hơn 25 năm mở cửa.

Tuy nhiên, với Trung Quốc, lại là một câu chuyện khác. Báo điện tử Vietnamnet nhận định, trong quan hệ thương mại với toàn cầu của Việt Nam, chưa thị trường nào có kim ngạch hai chiều tăng nhanh đến thế. Năm 2000, hai nước Việt - Trung đặt mục tiêu đạt kim ngạch hai chiều là 2 tỷ USD, nhưng ngay năm ấy mậu dịch song phương đã đạt 2,5 tỷ USD.  Lần thứ hai, mục tiêu được nâng lên 5 tỷ USD vào năm 2005, nhưng hết năm 2004 đã đạt 7,2 tỷ USD. Từ lúc này, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Kết thúc năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã đạt trên 41 tỷ USD, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước hợp tác sâu sắc trên lĩnh vực thương mại hai chiều. Hai nước đã khẳng định sẽ cố gắng đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc lên 60 tỷ USD vào năm 2015.

Song, đi kèm với kỳ vọng đó là nỗi lo nhập siêu từ Trung Quốc. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2001 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ mới dừng ở 200 triệu USD, nhưng chỉ trong 10 tháng của năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên đến 19,7 tỷ USD, gấp gần 100 lần.

Hiện có tới hơn 40 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đều đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD/nhóm hàng.

Trong khi đó, Việt Nam xuất đi Trung Quốc những món hàng giá trị thấp: quặng giá rẻ, khoáng sản giá rẻ, nông sản, cao su… Hàng Trung Quốc dù mang quá nhiều tai tiếng về độ an toàn, từ vải vóc, hàng tiêu dùng đến thực phẩm, hóa chất… nhưng lại tăng một cách phi mã trong cơ cấu mậu dịch hai chiều với Việt Nam. Và cán cân đang lệch về một phía.

Biết rằng “cuộc chơi” khi thị trường mở cửa là tất yếu. Nhưng không thể không lo ngại khi đến tận bây giờ Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị đủ “sắc vóc” cho hàng hóa để có vị thế cao hơn, ít nhất là trong 60 tỷ USD kim ngạch hai chiều cam kết với người láng giềng Trung Quốc vốn đã rất lọc lõi trong làm ăn buôn bán.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều