Nhân viên tín dụng một phòng giao dịch ngân hàng A. tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) than, năm nay ngân hàng gặp "hạn", lương thưởng "bèo" quá đỗi, giảm liên tục, tiền thưởng thì gần cuối năm rồi không thấy tăm hơi.
Nhân viên tín dụng một phòng giao dịch ngân hàng A. tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) than, năm nay ngân hàng gặp “hạn”, lương thưởng “bèo” quá đỗi, giảm liên tục, tiền thưởng thì gần cuối năm rồi không thấy tăm hơi.
Nhưng không riêng gì ngân hàng A. gặp “hạn”, cái “hạn” xì hơi như bong bóng bất động sản đang diễn ra ở hầu hết các ngân hàng. Doanh nghiệp kiệt quệ trong một thời gian quá dài làm nợ xấu bùng phát, ảnh hưởng nặng nề ngay chính giới ngân hàng - một thời “ăn trên ngồi trốc” với thu nhập và lợi nhuận khủng.
Báo Tuổi Trẻ tuần trước cho biết, hơn 700 nhân viên Ngân hàng Á Châu (ACB) đã mất việc trong quý III khi ACB mạnh tay cắt giảm nhân sự. Eximbank cũng gây “sốc” khi có thông tin ngân hàng này sẽ cắt giảm cả ngàn nhân viên. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm nay, tại Vietinbank, BIDV, ACB và SHB đã có gần 1.200 nhân viên buộc phải ra đi với nhiều lý do khác nhau. Có những nơi không quyết liệt ra tay sa thải nhân viên, nhưng mức lương hạ xuống quá thấp cùng những chỉ tiêu kinh doanh “trên trời” lạnh lùng áp xuống đã làm nhiều nhân viên lẫn người quản lý của nhiều ngân hàng tự nguyện nộp đơn thôi việc.
Những chuyện buồn trên, cách đây mấy năm có lẽ chẳng ai ngờ. Sự bùng nổ nhanh chóng các ngân hàng tư nhân vào những năm 2008-2010 với hàng chục ngân hàng lớn, nhỏ khắp cả nước, hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch khắp nơi liên tục khai trương đẩy nhân sự ngân hàng lên hạng “hot”. Riêng tại Đồng Nai, sự gia tăng số lượng chi nhánh và phòng giao dịch từ năm 2008-2012 có lẽ cao gấp hàng chục lần những năm trước các phòng, điểm giao dịch ngân hàng “phong tỏa” từ thành thị đến thôn quê. Nhiều trường đại học nhanh chóng mở thêm các khoa tài chính, tuyển sinh hàng loạt sinh viên, đến độ đại học giao thông vận tải cũng mở khoa tài chính - ngân hàng! Thiếu nhân sự quản lý, hàng loạt nhân viên của các ngân hàng lớn bỏ nhiệm sở đi làm giám đốc cho các chi nhánh ngân hàng nhỏ hơn - mọc lên như nấm sau mưa, cũng được nhìn nhận như một sự “đổi đời” chóng vánh.
Nhưng giấc mơ nhanh chóng kết thúc, khi khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng thanh khoản, khủng hoảng nợ xấu, đẩy nhiều ngân hàng vào thế “hết cờ”, phải giảm quy mô hoặc sáp nhập. Ngoài những lý do khách quan, không thể loại trừ nguyên nhân việc các ngân hàng “giành khách” nhau, cho vay dễ dãi, hay nhân viên kém nghiệp vụ do quá trình bành trướng và tuyển dụng diễn ra chóng vánh và thiếu chất lượng.
Một cuộc sắp xếp lớn đang diễn ra, trong nội bộ nhiều ngân hàng và cả giữa các ngân hàng với nhau. Thật ra, nhân viên chuẩn bị sa thải, lương và thưởng thấp xuống một cách hợp lý hơn là những điều cần thiết để có một thị trường lành mạnh hơn. Chỉ hơi chạnh lòng khi hàng ngàn sinh viên ngành tài chính - ngân hàng đang học tập tại nhiều trường đại học vẫn chờ mong một chỗ làm trong điều kiện tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn, khi hoa hồng không còn rải đầy lối đi như trước nữa.
Kim Ngân