Cuộc gặp gỡ doanh nghiệp mới đây nhất của một sở chuyên ngành tổ chức chỉ được vài chục doanh nghiệp đến dự và đến rải rác so với 200 giấy mời phát ra.
Cuộc gặp gỡ doanh nghiệp mới đây nhất của một sở chuyên ngành tổ chức chỉ được vài chục doanh nghiệp đến dự và đến rải rác so với 200 giấy mời phát ra. Con số này quá ít ỏi so với số lượng doanh nghiệp tại Đồng Nai. Mục đích buổi gặp rất tốt, đó là nhằm giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thông thị trường, giảm hàng tồn kho, tìm thêm nguồn vốn… Nhưng có lẽ đã quá chán ngán với chất lượng nửa vời của những cuộc gặp nhằm “tháo gỡ” như trên, nên doanh nghiệp không còn mấy mặn mà!
Không quá khó để có thể chứng kiến sự thờ ơ của doanh nghiệp trong những buổi gặp gỡ, hỗ trợ như trên, thậm chí là cả những hội nghị lớn có sự tham gia của các đơn vị thuộc bộ, ngành trung ương. Đơn giản là do những hội nghị, những buổi gặp gỡ ấy đã không “dọn trúng thực đơn” mà doanh nghiệp cần. Một số buổi tổ chức rất hoành tráng trong hội trường sang trọng của khách sạn, nhưng nội dung hầu như không có gì mới. Chẳng hạn, chương trình phổ biến của các buổi gặp gỡ nhằm tháo gỡ tình hình vay vốn khó khăn của doanh nghiệp thường diễn ra như sau: một số doanh nghiệp được mời dự sẽ kiến nghị vì sao không vay được vốn, các lãnh đạo ngân hàng sẽ trả lời lý do, thường là khá… “trớt quớt” vì lý do rất hiển nhiên: không đủ tài sản đảm bảo, không có phương án kinh doanh rõ ràng… Ai cũng biết, phía ngân hàng cũng rất muốn cho vay và phải cạnh tranh rất quyết liệt để có được khách hàng vay tốt, còn với khách không đủ điều kiện, thì dù có tổ chức cả trăm lần gặp, cũng khó cho vay. Nhiều ngân hàng có mặt chỉ để thông tin sơ sài một số gói vay ưu đãi nào đó, mà đội ngũ bán hàng hay marketing của họ đã giới thiệu mòn mỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, và cả đưa thông tin trực tiếp đến khách hàng. Doanh nghiệp không cần phải đến các hội nghị như trên để có thêm các thông tin đó. Thi thoảng, một vài vụ việc vướng mắc cụ thể cũng được trả lời thấu đáo tại hội nghị, dưới sức ép của những khách mời có vị trí, song nhìn chung, các buổi gặp gỡ trên đều chưa chạm đến được những vướng mắc thật sự của doanh nghiệp, hoặc giúp họ giải quyết bớt khó khăn.
Có những hội thảo, hội nghị chất lượng mà doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tham dự để được nghe tư vấn từ những chuyên gia giỏi, tìm kiếm thông tin từ những nhà hoạch định chính sách hoặc tiếp cận được lãnh đạo đầu ngành để nêu lên các kiến nghị hợp lý… Song, cũng có những hội nghị được tổ chức miễn phí, thậm chí có hỗ trợ chút tiền ăn trưa, uống nước, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ, vì họ không muốn bỏ nhiều thời gian để đến một nơi không có cái họ cần, trong khi giữa thời kinh tế khó khăn, gánh nặng hàng hóa, gánh nặng gạo tiền cho công nhân luôn đè lên đôi vai họ. Có lẽ những nhà tổ chức, dù là trung ương, địa phương hay các sở, ban chuyên ngành cũng nên xem lại tư duy, rà soát nội dung, rà soát lại lượng người tham dự trước khi tổ chức các buổi hội nghị “tháo gỡ, giúp đỡ” cho doanh nghiệp, để tránh lãng phí ngân sách và làm mất thời gian của người tham dự.
Gia Hân