Có vẻ như người nông dân trong nước đang bỏ ngỏ một thị trường hấp dẫn và có sức tiêu thụ khá bền vững là thịt bò. Báo Tiền Phong dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, hiện tổng số lượng bò thịt trong nước chỉ còn 5,1 triệu con, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước.
Có vẻ như người nông dân trong nước đang bỏ ngỏ một thị trường hấp dẫn và có sức tiêu thụ khá bền vững là thịt bò. Báo Tiền Phong dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, hiện tổng số lượng bò thịt trong nước chỉ còn 5,1 triệu con, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đã có những dự án nâng cao chất lượng giống, tầm vóc bò, nhưng do nguồn thức ăn tươi khan hiếm nên nhiều hộ nông dân không mặn mà với nuôi bò. Nguồn bò thịt bán đều đặn tại các chợ, siêu thị hiện tại được cho là có nguồn gốc từ các quốc gia lân cận, như: Lào, Campuchia, Thái Lan và một số do trong nước cung cấp.
Không bỏ lỡ cơ hội, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh tay nhập bò từ Úc, Mỹ về bán với giá rất cạnh tranh. Gần đây nhất, đầu tháng 10, Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa) đã đón chuyến tàu chở 1.500 con bò Úc cập Cảng Gò Dầu. Đây là lần nhập khẩu bò thứ 10 kể từ đầu năm của công ty. Theo đó, bò khỏe mạnh được chích ngừa, cách ly, sau đó mổ và phân phối khắp các hệ thống siêu thị: BigC, Lotte, Co.opMart… và một số chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Nhiều người bất ngờ, bởi giá bò Úc tươi sống chỉ tương đương với giá thịt bò bán tại chợ lâu nay.
Báo điện tử Vneconomy cho biết, theo Cơ quan Thú y vùng 6, số lượng bò Úc sống nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2012 trở về trước không đáng kể, nhưng chỉ trong 9 tháng của năm 2013, số lượng bò Úc sống nhập khẩu vào Việt Nam lên 32.500 con theo đường chính ngạch. Nguồn bò Úc nhập khẩu còn thông qua nhiều con đường khác. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập bò nguyên con vào Việt Nam để thăm dò thị trường tiêu thụ trong nước và cũng để làm quen với các nhà cung cấp từ Úc, nhằm tận dụng ưu đãi thuế của hiệp định thương mại tự do của các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TPP), nhiều khả năng có hiệu lực vào năm 2014.
Các nhà nhập khẩu thịt bò đã rất khôn ngoan khi nhập bò nguyên con về rồi mới mổ, pha lóc và tiêu thụ, bởi họ hiểu rõ thói quen dùng thịt bò tươi sống rất phổ biến của người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề chất lượng và giá cả cũng được giải quyết rất nhanh gọn. Nhiều người dự đoán, chỉ trong vài năm tới, khi các cánh cửa thuế quan mở rộng, thị trường “béo bở” này sẽ hoàn toàn ngoài tầm với của nông dân và doanh nghiệp trong nước. Chỉ tiếc, một quốc gia lấy nông nghiệp làm trọng, lại có ngành chăn nuôi và cung cấp thịt bò quá “hẻo”.
Vi Lâm