V.G., một sinh viên ngành kinh tế, nhà ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa cho biết, gần đây G. liên tục nhận được điện thoại của người quen, bạn bè rủ rê tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp theo dạng mô hình tháp ảo (kim tự tháp).
V.G., một sinh viên ngành kinh tế, nhà ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa cho biết, gần đây G. liên tục nhận được điện thoại của người quen, bạn bè rủ rê tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp theo dạng mô hình tháp ảo (kim tự tháp). Điều này không mới, nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, các mạng lưới bán hàng đa cấp đang trở nên dày đặc hơn, vẫn là các mặt hàng: hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống, sản phẩm làm đẹp... thậm chí, có cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu “phòng the”. Các công ty nhập hàng về, tổ chức các hội thảo với khách mời diện mở rộng, rồi tìm cách lôi kéo sinh viên, công nhân, công chức, nông dân... vào mạng lưới. Ở các tỉnh thành phía Bắc, bán hàng đa cấp tràn về nông thôn, đông đến mức tạo thành “làng” với hàng ngàn người thuê trọ ngày ngày tỏa đi tìm khách bán hàng, như ở TP.Thái Bình.
Một cựu sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, ngụ tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) người từng bỏ vài chục triệu đồng tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cho một doanh nghiệp Hoa Kỳ có nhà máy tại Đồng Nai chua chát thừa nhận, anh đã không hề thu được một đồng nào sau 3 tháng ròng rã tìm khách bán sản phẩm. Trong khi đó, để đủ điều kiện tham gia mạng lưới, anh đã vận động người thân mua dùm mình đến gần 20 triệu đồng tiền hàng, từ nước rửa chén đến thực phẩm chức năng, mà món nào cũng đắt.
Thực tế, bán hàng theo mô hình đa cấp dạng kim tự tháp cực khó, bởi người tiêu dùng hiện tại không dễ dàng bỏ tiền mua hàng theo dạng “rỉ tai” như trước, họ có thừa công cụ để kiểm tra tên tuổi, chất lượng, giá cả... của món hàng. Vậy, hàng bán đi đâu? Và doanh thu vì sao vẫn tăng đều đặn? Nếu suy luận thấu đáo có thể thấy, không có thị trường hay khách hàng nào cho các công ty đa cấp theo mô hình kim tự tháp cả, mà ở đây, khách hàng chính là những người tham gia mạng lưới bán hàng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), việc quản lý thị trường bán hàng đa cấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện cả nước đang có 61 doanh nghiệp đang hoạt động, dựa trên khung pháp lý là Nghị định 110. Sắp tới, Cục có thể đề xuất sửa đổi Nghị định 110 theo hướng kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, sẽ cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo kim tự tháp, vì đây là loại hình tập trung vào các nguồn thu không chính đáng, thu phí gia nhập, phí gia hạn hợp đồng... Ngoài ra, sẽ nâng mức thuế pháp định của doanh nghiệp lên, mức ký quỹ nâng lên 5 tỷ đồng và bằng tiền mặt (trước đây quy định ký quỹ 1 tỷ đồng thông qua bảo lãnh ngân hàng hoặc thế chấp bằng tài sản).
Chưa rõ khi nào Nghị định 110 sẽ được sửa, và cũng chưa rõ hiệu quả sẽ ra sao, song sự cảnh giác trước những viễn cảnh làm giàu nhanh chóng, hiệu quả, không cần kiến thức hay vốn liếng như lời mời gọi của các mạng lưới đa cấp là rất cần thiết, đặc biệt với những người trẻ.
Vi Lâm