Cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã có động thái can thiệp vào chuyện bình ổn giá sữa trước những bức xúc của người dân về việc giá sữa liên tục tăng cao một cách vô lý.
Cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã có động thái can thiệp vào chuyện bình ổn giá sữa trước những bức xúc của người dân về việc giá sữa liên tục tăng cao một cách vô lý.
Thông tin này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 29-9. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5-10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Báo Đầu tư trích dẫn lời của Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: “Lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay một danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống. Và dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị làm giá”.
Thời gian qua, báo chí liên tục phản ứng, bóc tách giá sữa từ nhiều nguồn khác nhau. Đài Truyền hình Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan khẳng định, các nhà nhập khẩu sữa đang hưởng siêu lợi nhuận khi mua 1, bán 5-6. Chẳng hạn, theo một tài liệu khai báo hải quan, một hộp sữa Similac Gain số 2 dành cho trẻ từ 6 tháng tới 1 tuổi của hãng Abbott (Mỹ) loại 900 gr có giá bán tại thị trường trong nước là 460 ngàn đồng/hộp. Thế nhưng, theo bảng giá sữa nhập các doanh nghiệp kê khai tờ khai hải quan lại chỉ từ 100 - 150 ngàn đồng/hộp (tương đương 5-7USD/hộp).
Chỉ có vài phản biện yếu ớt từ phía những người bán sữa, cụ thể là của Abbott Việt Nam, cho rằng mỗi hộp sữa chỉ lãi 10 ngàn đồng, không có chuyện “mua 1, bán 6”. Tuy nhiên, không ai tin điều này khi Abbott Việt Nam từ chối cung cấp bản khai giá nhập khẩu chính thức với lý do giữ bí mật cạnh tranh.
Tuy vậy, dù có bị phán xét về đạo đức kinh doanh khi bán sữa cho trẻ em ở một nước có thu nhập bình quân đầu người không cao như Việt Nam với giá cắt cổ, nhưng suy cho cùng, chính cơ chế quản lý lỏng lẻo, thiếu thống nhất giữa cơ quan chuyên quản lý giá (Bộ Tài chính) và cơ quan chuyên ngành (Bộ Y tế) đã mở ra cánh cửa “làm ăn” rất thông thoáng, dễ dàng cho các nhà nhập khẩu sữa ngoại. Bởi trong khi ở danh mục bình ổn giá được quy định trong Luật Giá, có hiệu lực từ đầu năm 2013, có hạng mục “Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, nghĩa là các sản phẩm sữa cho trẻ em phải đăng ký giá với Bộ Tài chính mỗi lần tăng hay giảm giá, thì xét theo 3 quy chuẩn quốc gia liên quan đến sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ đầu tháng 6 vừa qua, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa đều đã “thay tên đổi họ” thành sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung... do không đủ độ đạm cần thiết để được gọi là sữa. Vì thế, chúng đương nhiên nằm ngoài danh mục bình ổn giá.
Thật ra, yêu cầu của Thủ tướng cũng chỉ nhằm giải quyết mớ rắc rối chồng chéo mà Bộ Y tế gây ra sau khi ban hành tên gọi mới cho các sản phẩm dành cho trẻ em trước đây thường gọi là sữa. Với sự quan tâm này, cuộc chiến thông tin giữa dư luận - nhà quản lý, giữa 2 bộ có trách nhiệm, giữa nhà nhập khẩu với người tiêu dùng mấy tháng qua, hy vọng sẽ được giải quyết theo cách có lợi nhất cho người tiêu dùng. Vì dù gọi là thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng hay sữa thì trẻ em dưới 6 tuổi cũng vẫn phải uống chúng hàng ngày, do đó, chúng cần được bình ổn giá.
Kim Ngân