Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 41 mỏ khoáng sản đã khai thác xong đang chờ tiến hành đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 41 mỏ khoáng sản đã khai thác xong đang chờ tiến hành đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường. Trong số này, có 2 mỏ khoáng sản lớn đã hoàn thành khai thác theo quy mô công nghiệp là: mỏ Tân Hạnh với diện tích 34 hécta, sản lượng đá gần 15 triệu m3 và mỏ đá Hóa An với diện tích 19 hécta, sản lượng đá gần 12 triệu m3. Đáng nói, đa số các mỏ khoáng sản ở Đồng Nai là mỏ chìm, nên sau khi khai thác xong đã biến khu vực đó trở thành các thung lũng sâu hoắm từ vài chục đến cả trăm mét. Trước đây, pháp luật đã quy định các chủ mỏ phải hoàn nguyên (nay gọi là phục hồi môi trường) sau khi khai thác xong, nhưng đa số các công ty đều “bỏ chạy”, không hề tiến hành phục hồi môi trường, nếu có chỉ rào chắn qua loa bằng dây thép hoặc lưới thép trên các miệng hố như vực thẳm, đe dọa sự an nguy đến tính mạng của người dân qua lại khu vực này.
Mỏ đá Hóa An nhìn từ trên cao.(Ảnh: T.L) |
Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được giải thích là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật...) tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản về gần với trạng thái môi trường ban đầu, hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Tuy nhiên, các chủ mỏ đã phớt lờ quy định này. Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường cũng thừa nhận một số doanh nghiệp chưa làm tốt khâu khắc phục môi trường và rào chắn tại các mỏ đã khai thác khoáng sản xong để đảm bảo an toàn.
Có thể thấy các biện pháp chế tài đã không đủ mạnh, nên không chủ mỏ nào thực hiện đúng quy định về phục hồi môi trường. Bây giờ, các chủ mỏ đã “ăn hết rồi”, không phục hồi môi trường theo đúng quy định của pháp luật thì làm cách này có thể buộc họ phải thực hiện?
Thực tế, số tiền các chủ mỏ ký quỹ cũng chẳng bõ bèn gì, không đủ đảm bảo công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Đã vậy có người còn đưa ra phương án khá “lãng mạn” là sẽ mời gọi nhà đầu tư cải tạo các khu vực mỏ đã khai thác xong thành các khu vui chơi giải trí! Thử hỏi, có nhà đầu tư nào dám liều bỏ tiền vào khai thác du lịch ở những vực thẳm sâu hoắm này?
Có thể nói việc phục hồi môi trường ở các mỏ khoáng sản là một giấc mơ về... nơi xa lắm!
Xuân Phú