Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoang mang trồng - chặt

10:09, 23/09/2013

Lại đến lượt cây ca cao bị nông dân trong tỉnh đốn ngã hàng loạt vì lo giá giảm. Trước đó là điều, quýt, mãng cầu, cà phê, cây ăn trái... Chỉ cần giá thấp trong một thời gian ngắn, người trồng đã tính đến chuyện chặt bỏ để thế vào cây khác giá cao hơn.

Lại đến lượt cây ca cao bị nông dân trong tỉnh đốn ngã hàng loạt vì lo giá giảm. Trước đó là điều, quýt, mãng cầu, cà phê, cây ăn trái... Chỉ cần giá thấp trong một thời gian ngắn, người trồng đã tính đến chuyện chặt bỏ để thế vào cây khác giá cao hơn.

Nhiều người phê phán nông dân bởi tư tưởng “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”, hễ thấy nông sản nào đang có giá cao là lăm le chặt cây cũ, trồng cây mới. Điều này khiến thu nhập trồi sụt, mất vùng nguyên liệu, lụi tàn đặc sản, thậm chí phá vỡ quy hoạch cây trồng của ngành nông nghiệp.

Nhưng thực tế cho thấy, rất khó để nông dân thủy chung với một loại cây trồng nào đó. Bởi đồng vốn bấp bênh, làm sao duy trì nổi vườn cây qua vài mùa giảm giá? Một nông dân kỳ cựu trong vùng trồng quýt Thanh Sơn (huyện Định Quán) tính toán: mỗi hecta quýt đầu tư cả trăm triệu đồng/vụ, đầu vụ phải mua thiếu phân bón, xăng dầu, thiếu nợ nhân công… Vậy nên khi thu hoạch, giá bán không như ý hay năng suất giảm vài vụ là người trồng lập tức hụt hơi khi gánh nặng nợ nần đầu vào “dí” sát nút. Ngay vụ sau, nông dân buộc phải tính xem có nên đầu tư tiếp hay không, và đa phần chuyển sang cây khác đang có giá.

Nhiều nông dân bày tỏ, họ cũng hiểu muốn giữ nghề thì phải tính lâu dài, vì qua vài mùa mất giá, nhiều loại nông sản lại có giá trở lại. Nhưng hiểu là một chuyện, những nhu cầu cuộc sống “đeo” sát lại là chuyện khác. Mấy ai dám duy trì vườn cây mất giá vài năm, khi chẳng có doanh nghiệp, sở, ngành nào đứng ra đảm bảo giá sẽ tăng trở lại, cũng chẳng ai đảm bảo sẽ lo đầu ra ổn định cho người trồng yên tâm.

Lời giải cho đầu ra nông sản cũng được nhiều người tham gia làm sáng tỏ. Công thức chung được đưa ra: sản xuất theo quy trình sạch và tiên tiến - liên kết lẫn nhau để cung ứng sản phẩm đồng đều - hợp nhau làm thương hiệu - quảng bá và tìm đầu ra. Song, thực tế không hề đơn giản, rất ít nông sản Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung làm được điều này, bởi quá nhiều trở ngại phát sinh: thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin và thiếu cả lòng tin. Vậy nên đến giờ này, đơn giản nhất đối với họ vẫn là cách làm: giá cao - trồng; giá giảm - chặt… như một nỗi hoang mang kéo dài, thoát ra chưa nổi.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều