Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Thái lấn sân

10:09, 09/09/2013

Chấp nhận tham gia những sân chơi với luật chơi khắc nghiệt, như: WTO, AFTA, TPP… Việt Nam đã phải đối diện với nhiều quan điểm khác nhau, phản biện có, đồng tình có, chủ yếu xuất phát từ thực tế: doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam còn quá yếu ớt trước sự tấn công ào ạt của hàng hóa nước ngoài, ngay trên chính sân nhà.

Chấp nhận tham gia những sân chơi với luật chơi khắc nghiệt, như: WTO, AFTA, TPP… Việt Nam đã phải đối diện với nhiều quan điểm khác nhau, phản biện có, đồng tình có, chủ yếu xuất phát từ thực tế: doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam còn quá yếu ớt trước sự tấn công ào ạt của hàng hóa nước ngoài, ngay trên chính sân nhà.

Câu chuyện hàng nội phải vất vả chống đỡ với hàng Trung Quốc không còn mới lạ. Nhưng việc hàng Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đang từng bước chiếm lĩnh thị trường ở nhiều ngành hàng một cách “danh chính ngôn thuận” là việc mà doanh nghiệp sản xuất hàng Việt cần lưu ý.

Sự lấn sân của hàng Thái Lan trong vài năm gần đây là một minh chứng. Không cần đặt nhà máy tại Việt Nam, cũng ít khi thâm nhập “chui lủi” dạng nhập lậu hay đi tiểu ngạch như hàng Trung Quốc, hiện tại, hàng Thái đang đường đường chính chính tăng thị phần tại Việt Nam thông qua đường chính ngạch, tận dụng các chính sách ưu đãi thuế quan. Điểm mạnh của quốc gia này là từng bước xâm nhập thị trường vững chắc, khi mà hàng Trung Quốc đã làm người Việt quá chán chường, trong khi hàng hóa trong nước lại chỉ mới đáp ứng được nhu cầu một phần nào đó, và tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt vốn còn phổ biến.

Dễ thấy nhất là hàng thời trang. Gần đây, thời trang xuất xứ từ Thái Lan được yêu thích do chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và giá phải chăng. Tương tự là trái cây. Tại các sạp trái cây cả nước, hàng Thái được bán cả bốn mùa, như: sầu riêng, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, quýt, xoài... Mỹ phẩm Thái Lan cũng đã tràn sâu vào thị trường Việt Nam. Tại các siêu thị, vài năm nay, hàng Thái Lan chiếm tỷ trọng cao do các siêu thị nhận thấy xu hướng sử dụng hàng Trung Quốc giảm và tiêu thụ hàng Thái Lan tăng, nên đã chuyển sang nhập khẩu đối với đồ hộp, nước uống, bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm từ Thái Lan. Trong khi đó, đối với thị trường điện tử, điện lạnh, hàng nhập từ Thái Lan đang có ưu thế vì hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, như: Sharp, Philips, Panasonic, Sanyo... đều đặt nhà máy sản xuất ở Thái.

Các loại thực phẩm, trái cây, quần áo may sẵn, đồ gia dụng xuất xứ từ Thái Lan đã có mặt tại gần như tất cả các chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Thái Lan trên thế giới. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan đạt khoảng 9 tỷ USD; riêng 7 tháng của năm 2013 đạt 5,34 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan là 3,49 tỷ USD và xuất khẩu chỉ 1,85 tỷ USD.

Xét trên bình diện chung, người tiêu dùng đang được lợi khi có cơ hội tiếp cận và lựa chọn hàng hóa một cách đa dạng hơn với giá rẻ hơn. Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước, sự trưởng thành nhanh là điều cần thiết, bởi ngay trên sân nhà hàng Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn nữa trong vài năm tới. Đặc biệt, đây là xu thế bị cạnh tranh một cách quang minh chính đại bằng hàng nhập khẩu chính ngạch, và từ những quốc gia không có tai tiếng nhiều trong sản xuất hàng hóa.

Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều