Mới đây, một người bạn của tôi đã tham gia cuộc thi thuyết trình dành riêng cho cán bộ nữ. Đề tài thuyết trình là hai chữ “tự trọng”. Chỉ hai chữ, nhưng thật đáng để suy ngẫm.
Mới đây, một người bạn của tôi đã tham gia cuộc thi thuyết trình dành riêng cho cán bộ nữ. Đề tài thuyết trình là hai chữ “tự trọng”. Chỉ hai chữ, nhưng thật đáng để suy ngẫm.
Hiểu một cách nôm na, tự trọng là coi trọng chính mình. Người tự trọng không hành xử trái những quy định của pháp luật và những chuẩn mực đạo đức xã hội gây tổn hại đến danh dự, phẩm giá, nhân cách của bản thân… Người Việt có nhiều câu tục ngữ, thành ngữ đề cao sự tự trọng, chẳng hạn “Đói cho sạch, rách cho thơm”…
Như vậy, tự trọng là một phẩm chất tinh thần, nó không có sẵn khi con người mới sinh ra mà phải được giáo dục, tu dưỡng. Tự trọng không chỉ cần cho sự phát triển của cá nhân, tập thể mà cần cho cả quốc gia, dân tộc. Không có tinh thần tự trọng, một dân tộc có thể rơi vào địa vị nô lệ, đánh mất bản sắc, bị các tộc người khác khinh rẻ, chà đạp.
Hiện nay, sự thiếu tự trọng đang biểu hiện ở những dạng khác nhau: Từ hành vi tham nhũng, biển thủ tài sản của nhà nước, đùn đẩy trách nhiệm, làm láo báo cáo hay đến thói tham lam, vụ lợi, cách sống tùy tiện, coi thường những chuẩn mực đạo đức xã hội. Một ví dụ nhỏ: vào dịp lễ lạt, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai lại mang hoa, cây cảnh ra trang trí ở nhiều đoạn đường trong thành phố rồi cắt cử người trông nom. Nếu không có người gác, đêm đến hoa và cây kiểng có thể bị lấy trộm.
Và còn nhiều, rất nhiều những hành vi “lệch chuẩn” thể hiện sự thiếu tự trọng của con người. Nguyên nhân thì có nhiều, do nền tảng giáo dục cá nhân yếu kém và do luật pháp chưa nghiêm, những lời tuyên truyền suông chẳng đủ “ép phê” và người ta cứ tùy tiện trong lối sống, nếp sinh hoạt mà chẳng bị ai chế tài, xử phạt!
Làm thế nào để trở thành một người biết tự trọng, một xã hội biết tự trọng, thật khó lắm thay!
Hoàng Ngọc Điệp