Gần đây, rất nhiều ý kiến bàn thảo đến việc Việt Nam sẽ có những lợi ích và thách thức gì khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Gần đây, rất nhiều ý kiến bàn thảo đến việc Việt Nam sẽ có những lợi ích và thách thức gì khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được hiểu như một định chế thương mại đa phương giữa 12 nước, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản. Nếu được ký kết, TPP sẽ bao trùm một khu vực kinh tế rộng lớn, chiếm khoảng hơn 40% GDP và 30% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu.
Hiện tại, TPP đã trải qua 18 vòng đàm phán và theo kế hoạch, các vòng đàm phán sẽ kết thúc vào năm 2014. Khi TPP được ký kết, toàn bộ thuế quan nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ, trừ những mặt hàng có lộ trình 3-5 năm hoặc 10 năm. Như vậy, thay vì phải chịu mức thuế suất 7% khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ, dệt may sẽ được hưởng thuế 0%. Tương tự, những ngành như da giày, thủy sản, gỗ… cũng được hưởng lợi lớn trong xuất khẩu khi TPP được ký kết. Cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng đang rộng mở do khá nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang muốn sang Việt Nam xây dựng nhà máy, đặc biệt là những tập đoàn từ những quốc gia thành viên.
Tuy vậy, rất nhiều lo ngại đang được đặt ra là liệu Việt Nam có kịp chuẩn bị khi thời gian đã trở nên gấp rút và TPP là một sân chơi bình đẳng, không có cơ chế riêng cho các nước có nền kinh tế ở các trình độ phát triển kém hơn. Một trong những điều khiến DN lo lắng nhất là muốn được hưởng ưu đãi thuế là phải sử dụng nguyên vật liệu từ các nước trong khối TPP. Trong khi đó, nhiều ngành sản xuất chủ yếu vẫn nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Đơn cử, với dệt may, trên 85% nguyên liệu hiện vẫn nhập từ Trung Quốc và nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu và không thoát ra khỏi chiếc áo gia công, nước ta sẽ không được hưởng lợi ích từ thuế. Một lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, điều này đang trở nên bất khả thi bởi nguyên vật liệu từ các nước trong khối TPP khá đắt đỏ, sẽ làm giá sản phẩm đội lên, trong khi Việt Nam vẫn chưa thể hình thành được thị trường nguyên vật liệu đủ sức cung ứng.
Một điều đáng chú ý nữa là nếu hàng Việt Nam ra các nước hưởng thuế 0%, thì hàng từ các nước TPP vào Việt Nam cũng tương tự, trong khi hàng rào kỹ thuật chưa đủ để có thể bảo hộ hàng hóa trong nước. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải lập ra một bộ tiêu chuẩn mới phù hợp để làm hàng rào kỹ thuật ngăn cản bớt dòng chảy ồ ạt của hàng ngoại nhập trong những năm tới. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi chính hàng hóa của doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu của những hàng rào ấy?
Không có luật chơi riêng cho quốc gia giàu hay nghèo là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng, nếu không chuẩn bị tốt và quyết liệt thay đổi, TPP sẽ mang lại nhiều thách thức hơn là cơ hội ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.
Vi Lâm