Sau 3 năm triển khai dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đồng Nai đã chi 82,5 tỷ đồng cho công tác này, trong đó kinh phí do ngân sách Trung ương cấp là 18 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 64,5 tỷ đồng.
Sau 3 năm triển khai dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đồng Nai đã chi 82,5 tỷ đồng cho công tác này, trong đó kinh phí do ngân sách Trung ương cấp là 18 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 64,5 tỷ đồng. Đây là một số tiền không nhỏ nhưng kết quả thu được lại chưa như mong muốn.
Phát biểu trong nhiều hội nghị, không ít lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa phát huy hiệu quả. Bằng chứng là có những nghề, đào tạo ra học viên không biết tìm việc ở đâu do đào tạo đại trà, cả xã đều học những nghề giống nhau, như: nấu ăn, cắm hoa, làm móng… “Ở địa phương còn nhiều khó khăn như Định Quán, rất nhiều người được học nghề cắm hoa và nấu ăn. Xã nông thôn, đời sống người dân còn thấp, lấy đâu ra tiệc tùng nhiều để mà làm nghề nấu ăn với cắm hoa. Do đó, có nông dân học xong rồi lại thất nghiệp, quay ra tính đường khác để làm chứ không thể tồn tại với nghề đã học không đúng thực tế ấy” - lãnh đạo huyện Định Quán giãi bày.
Mới đây, qua thanh kiểm tra, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các trung tâm dạy nghề có thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, sai phạm nhiều nhất vẫn là sử dụng kinh phí không đúng quy định, chi sai mục đích, cắt giảm số tiết giảng dạy, đào tạo sai đối tượng... Thậm chí, lãnh đạo của Trung tâm dạy nghề Thống Nhất đã bị đình chỉ công tác và cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ sai phạm. Điều này cho thấy, công tác quản lý hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời. Thế nhưng khi trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Lan vừa qua tại kỳ họp thứ 7, lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội vẫn cho rằng, những sai phạm trên không xuất phát từ tư lợi cá nhân mà do vận dụng các quy định của Nhà nước không phù hợp. Dù là như thế thì rõ ràng, kẽ hở về kiểm tra, giám sát vẫn khá lớn.
Để lao động nông thôn thực sự ổn định được cuộc sống từ ngành nghề mình được đào tạo còn là cả một câu chuyện dài mà ở đó, không thể thiếu được sự quan tâm, đầu tư thiết thực, hiệu quả từ những chương trình dạy nghề sát thực tế.
Minh Ngọc