Dư luận ở Đồng Nai gần đây quan tâm nhiều đến cuộc “hôn nhân” tự nguyện giữa Ngân hàng Đại Á (DaiABank) với Ngân hàng Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank), cho dù đó là sự phát triển theo quy luật thị trường .
Dư luận ở Đồng Nai gần đây quan tâm nhiều đến cuộc “hôn nhân” tự nguyện giữa Ngân hàng Đại Á (DaiABank) với Ngân hàng Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank), cho dù đó là sự phát triển theo quy luật thị trường .
Nhìn lại cách nay 20 năm (30-7-1993), DaiABank khởi đầu chỉ là một Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn đầu tiên hoạt động trên địa bàn Đồng Nai. 8 năm sau, DaiABank sát nhập Quỹ Tín dụng nhân dân Quang Vinh (TP.Biên Hòa), tăng vốn điều lệ 8 tỷ đồng. Tròn 10 năm thành lập, DaiABank tăng vốn lên 25 tỷ đồng. Theo năm tháng, vốn điều lệ của DaiABank tăng trưởng lên 500 tỷ, rồi 1.000 tỷ và đến năm 2010 tăng lên 3.100 tỷ đồng. Vào năm 2007, DaiABank được phép chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng thương mại cổ phần đô thị. Vốn tăng là nhờ DaiABank có thêm nhiều “ông chủ” mới, như: Tổng công ty Tín Nghĩa, Chi nhánh Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam tại Đồng Nai…
Hoạt động sát nhập, thâu tóm trong nền kinh tế thị trường là điều hết sức bình thường, có những thỏa thuận mua bán, sát nhập công khai và có những “thương vụ” thâu tóm diễn ra âm thầm. Trên địa bàn Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi lớn “sau một đêm ngủ dậy” đã có sự đổi chủ trong sự luyến tiếc của những người đã có hàng chục năm gắn bó xây dựng, tâm huyết cho sự phát triển thương hiệu doanh nghiệp, điển hình, như: Công ty cổ phần cà phê Biên Hòa (Vinacafé Biên Hòa), Công ty cổ phần giấy Tân Mai , giấy Cogido, cổ phần bánh kẹo Biên Hòa…Có những doanh nghiệp sau khi đổi chủ vẫn tiếp tục phát triển lớn mạnh, ví dụ như Vinacafé Biên Hòa. Tuy vậy, không phải bất kỳ sự thay đổi chủ nào cũng đều thuận buồm xuôi gió, vì vậy có doanh nghiệp không phát triển được như sự kỳ vọng của cổ đông và người lao động.
DaiABank cũng vậy. Sau nhiều lần tăng vốn, cho đến nay DaiABank vẫn chỉ là ngân hàng nhỏ (tổng tài sản tính đến cuối năm 2012 là 17.910 tỷ đồng) trong khi quy mô hoạt động đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước với 64 điểm giao dịch. Khác với các ngân hàng cổ phần thương mại khác là bị buộc phải sát nhập, DaiABank với HDBank là sự thỏa thuận mang tính tự nguyện để đôi bên cùng có lợi. Nếu cuộc “hôn nhân” với HDBank diễn ra suôn sẻ thì rõ ràng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản sẽ tăng lên rất nhiều. Và khi đó, DaiABank sẽ khoác lên mình chiếc áo mới trong vị thế mới với tầm vóc hoạt động lớn hơn, hy vọng sẽ có sự phát triển về chất.
Câu chuyện DaiABank là bình thường trong nền kinh tế thị trường, đó là xu thế tất yếu, ví như khi vươn ra biển lớn cần phải có thuyền lớn để có thể đánh bắt xa bờ. Dù vậy, việc nảy sinh tâm lý băn khoăn, nuối tiếc khi có sự sát nhập, đổi chủ mới ở DaiABank là không thể tránh khỏi, đây lại là ngân hàng duy nhất có trụ sở chính đặt tại Biên Hòa - Đồng Nai. Vả lại cũng không ai có thể nói chắc về số phận tương lai.
Xuân Phú