Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi buồn cây trái

09:06, 18/06/2013

1. Đầu tháng 5, những hàng trái cây trong tỉnh lác đác đỏ. Chôm chôm đã về. Giá bán đầu mùa cho loại chôm chôm tróc lúc này khoảng 20-25 ngàn đồng/kg.

1. Đầu tháng 5, những hàng trái cây trong tỉnh lác đác đỏ. Chôm chôm đã về. Giá bán đầu mùa cho loại chôm chôm tróc lúc này khoảng 20-25 ngàn đồng/kg. Nhiều người chắc mẩm nhà vườn chuyến này trúng lớn. Nhưng chỉ một tháng sau, giá chôm chôm tróc tụt xuống chỉ còn 6-7 ngàn đồng/kg tại chợ. Và trong nhiều nhà vườn ở Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất…, giá chưa nổi 2 ngàn đồng/kg. Nông dân méo mặt.

2. Hiện tại, người dân huyện Tân Phú đang đua nhau chặt bỏ mãng cầu. Cây mãng cầu một thời từng là niềm tự hào của nông dân Tân Phú với diện tích khoảng 900 hécta, nay chỉ còn chưa nổi vài trăm. Lý do khiến nông dân chặt bỏ cũng rất “thường”: sâu bệnh nhiều, giá cả bấp bênh, lợi nhuận thấp…

Trước cây mãng cầu là cây quýt. Vùng quýt Thanh Sơn (Định Quán), Núi Tượng (Tân Phú)… nức tiếng một thời, nay cũng không còn mấy. Loại quýt đường vỏ mỏng xanh bóng, múi mọng ngọt, từng đưa nhiều nông dân chân lấm tay bùn lên hàng “đại gia”, vài năm nay cũng đang bị chặt bỏ hàng loạt. Rồi xoài ba mùa, sầu riêng, mít nghệ… nông dân hết trồng lại chặt, sụt sùi theo giá.

3. Thị trường luôn “khát” những loại trái cây ngon, truy nguyên được nguồn gốc, chất lượng ổn định… Các quy trình sản xuất trái an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP) hay tiêu chuẩn Việt Nam (VietGap) cũng đã được hướng dẫn cặn kẽ tại nhiều nơi. Nhưng số lượng nông dân tham gia chỉ lác đác. Bên cạnh những mô hình GAP thành công do kết nối được khâu sản xuất và tiêu thụ thì cũng có những mô hình trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất là sản xuất vẫn chưa gắn kết với thị trường nên khi đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, trái cây lại không tìm được thị trường xuất khẩu hoặc xuất không ổn định. Còn bán trái GAP trong nước thì thương lái lại mua sản phẩm với giá ngang bằng trái không GAP nên lợi nhuận không cao. Ở nhiều nơi, một số nhà vườn đã phải xin ra khỏi các mô hình GAP để sản xuất bình thường.

Tại Đồng Nai, một số địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tâm huyết với đặc sản địa phương cũng đang bước đi những bước đầu tiên trong việc xây dựng mô hình sản xuất sạch, tiến đến làm thương hiệu cho trái cây bằng cách thuyết phục nông dân tham gia các mô hình GAP. Tuy vậy, đây vẫn mới là những điểm sáng nhỏ nhoi, lượng trái cây GAP như: xoài Suối Lớn, ổi Bảo Quang… cũng chỉ mới tiêu thụ được một phần rất nhỏ so với sản lượng thực tế. Và dù nguy cơ trái cây ngoại giá rẻ… tràn vào ngày một gần theo lộ trình giảm thuế đã cam kết khi gia nhập WTO, người nông dân trồng trái cây dù muốn dù không, để giải quyết cơm áo trước mặt, vẫn đang chọn cách làm ăn xổi ở thì, nay trồng mai chặt. Và, vẫn đang luẩn quẩn trong “nỗi buồn cây trái” chưa vơi.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều