Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi khu công nghiệp ở xa

09:06, 24/06/2013

Lãnh đạo một huyện miền núi tại Đồng Nai bộc bạch, địa phương giờ hầu như chẳng còn trông mong gì vào việc thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện mình.

Lãnh đạo một huyện miền núi tại Đồng Nai bộc bạch, địa phương giờ hầu như chẳng còn trông mong gì vào việc thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện mình. Bởi sau nhiều năm rát cổ mời gọi, với đủ thứ chính sách ưu đãi, giá thuê đất thì đã giảm đến mức khó có thể thấp hơn, vẫn chỉ lèo tèo một, hai nhà đầu tư quy mô nhỏ để mắt đến. Hàng chục hécta đất và hàng chục tỷ đồng đầu tư hạ tầng các KCN miền núi tạm coi là lãng phí.

Khi đầu tư các KCN ở miền núi, như: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú..., các nhà đầu tư có lẽ đã dựa trên những mong muốn có phần chủ quan hoặc chưa được điều tra nghiên cứu kỹ: rằng các KCN sẽ giúp những địa phương nghèo và xa “bật” lên nhờ vào phát triển công nghiệp và các dịch vụ ăn theo KCN, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nhưng, hiếm có nhà đầu tư nào tìm đến. Bởi vì sao phải “chạy” lên Tân Phú, Định Quán hay Xuân Lộc để đặt nhà máy, trong khi xung quanh TP. Biên Hòa vẫn còn hàng chục KCN sẵn sàng mời gọi với nhiều ưu đãi, lại không phải đi xa? Chi phí vận chuyển là điều ngán ngại đầu tiên của doanh nghiệp, kế đến là các dịch vụ khác, như: cầu, cảng, nhà ở công nhân, lao động có tay nghề... Nếu tầm nhìn quy hoạch là cho tương lai nhiều năm tới, khi hạ tầng giao thông đã được hoàn thiện tương đối và khoảng cách từ các huyện về trung tâm không còn quá xa như hiện tại, thì việc triển khai xây KCN có lẽ cũng chưa cần, bởi “cầm đèn chạy trước” cũng không để làm gì, vì nếu không chăm sóc tu sửa, hạ tầng sẽ xuống cấp rất nhanh, còn nếu thường xuyên coi sóc, thì chi phí lại nặng nề.

Để chữa cháy khi đã lỡ đầu tư, một trong những hướng thu hút đầu tư khác khả dĩ hơn là vận động chính các doanh nghiệp tại địa phương chuyển hướng, di dời cơ sở vào các KCN. Nhưng thực tế vấp phải là, doanh nghiệp địa phương đa số là doanh nghiệp nhỏ, đóng trên đất đai vườn tược có sẵn không mất tiền thuê, nay kêu gọi họ vào KCN, phải trả tiền thuê đất, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, nước thải, lao động... thì khó có doanh nghiệp nào đồng ý.

Những KCN miền núi của Đồng Nai hiện đang trên đà xuống cấp, và địa phương, có lẽ chỉ còn hy vọng khi các tuyến đường cao tốc hình thành, nhà đầu tư sẽ bớt ái ngại đường xa mà để mắt đến các KCN xa xôi, hẻo lánh. Song muốn vậy, lại phải có những ưu đãi hết sức thông thoáng bởi các KCN gần trung tâm hơn vẫn đang tiếp tục cạnh tranh với KCN miền núi trong việc lôi kéo các nhà đầu tư đến thuê đất của mình.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều