1. Mới đây, một cơ quan chuyên ngành của tỉnh đã tổ chức gặp gỡ giữa doanh nghiệp và giới ngân hàng.
1. Mới đây, một cơ quan chuyên ngành của tỉnh đã tổ chức gặp gỡ giữa doanh nghiệp và giới ngân hàng. Hàng trăm giấy mời được gửi, nhưng số lượng doanh nghiệp đến dự đếm chưa đầy một bàn tay! Nguyên nhân, nội dung của buổi gặp gỡ là bàn về việc làm sao doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi điều này không còn là nỗi lo lắng của doanh nghiệp. Thời điểm đó vốn ngân hàng tồn đầy kho, nhân viên ngân hàng “mướt mồ hôi” tìm khách đủ chuẩn vay, đâu còn cảnh doanh nghiệp chầu chực xin vay như trước. Lãi suất lúc này cũng không phải là điều cần lo lắng nữa, vì đã giảm đến 50% so với mấy tháng trước. Doanh nghiệp không đi dự, là bởi “chỗ ngứa” của họ nằm ở chỗ hàng hóa làm ra không tiêu thụ được.
2. Theo thống kê của Sở Công thương, cổng thương mại điện tử (TMĐT) của Sở chỉ mới thu hút được 253 thành viên sau hơn 1 năm hoạt động. Con số này là rất thấp so với tổng số cả chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, Sở đã khá tâm huyết với đề án thành lập cổng TMĐT này với mục đích tạo một kênh thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp trao đổi thông tin, tìm thị trường trong và ngoài nước, mua bán hàng hóa… giữa thời buổi thị trường thu hẹp, sức mua giảm mạnh như hiện nay. Tham gia cổng TMĐT, doanh nghiệp được hỗ trợ 1 gian hàng ảo hoàn toàn miễn phí để đăng thông tin về sản phẩm, chào mua, chào bán, khuyến mãi… Sở đã gửi thư mời, tổ chức tập huấn, gửi thông tin để mời doanh nghiệp tham gia, dĩ nhiên là miễn phí. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia quá ít, dẫn đến việc quản trị gặp khó khăn vì một số doanh nghiệp tham gia nhưng không đăng sản phẩm, việc giao dịch TMĐT chưa được doanh nghiệp quan tâm nhiều. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT qua việc hỗ trợ xây dựng website miễn phí cũng chưa được doanh nghiệp quan tâm, chỉ có 3 đơn vị đăng ký.
3. Các buổi gặp gỡ doanh nghiệp thưa vắng người tham dự hay đề án cổng TMĐT bị… ế nói trên chỉ là những ví dụ chứng tỏ, đôi khi những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã không chọn trúng những điều doanh nghiệp cần, hoặc chọn chưa trúng điểm rơi, khiến cho phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” vốn dĩ rất ấn tượng cũng phai nhạt ít nhiều. Bàn rộng hơn, ở tầm quốc gia, đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ban đầu nghe rất “hoành tráng, thiết thực”, song thực tế lại bị giới doanh nghiệp đánh giá thấp, cho là chỉ có tính hình thức, động viên.
Để thay đổi điều này, thiết nghĩ, những người làm chính sách cần thêm sự năng động, sát sao nắm bắt tình hình doanh nghiệp, cần thêm sự nhạy bén và giỏi chuyên môn để khi tổ chức một buổi gặp gỡ, hay lớn hơn, thiết kế cả một chính sách, thì đối tượng tham gia phải được thụ hưởng một cách thật sự.
Kim Ngân