Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu sòng phẳng

09:03, 11/03/2013

Hàng loạt ngân hàng đã chính thức thu phí rút tiền nội mạng trên máy ATM từ ngày 1-3 vừa qua. Mức phí phổ biến của một và ngân hàng có lượng thẻ phát hành lớn là 1.100 đồng/lần rút tiền nội mạng.

Hàng loạt ngân hàng đã chính thức thu phí rút tiền nội mạng trên máy ATM từ ngày 1-3 vừa qua. Mức phí phổ biến của một và ngân hàng có lượng thẻ phát hành lớn là 1.100 đồng/lần rút tiền nội mạng.

Lý do cho việc thu phí là để bù lỗ, đồng thời tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hệ thống thẻ nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng.

Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, đồng thời là Phó tổng giám đốc Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, chi phí trung bình cho mỗi lần giao dịch ATM mà ngân hàng bỏ ra là khoảng 7 ngàn đồng - 9 ngàn đồng. Theo tính toán của Vietcombank, với quy định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1 ngàn đồng/giao dịch kể từ ngày 1-3, ngân hàng vẫn lỗ 6 ngàn đồng/lần giao dịch.

Tuy nhiên, phân tích này mới chỉ nhìn từ phía “thiệt hại” của ngân hàng (nếu có). Các phân tích của phía ngân hàng đã không chỉ ra rằng, họ được sử dụng khoản tiền có trong thẻ ATM với lãi suất không kỳ hạn rất thấp, trong đó có ít nhất 50 ngàn đồng trong mỗi thẻ - được xem như phí “đặt cọc” của khách hàng khi tham gia dịch vụ. Trên thực tế, số dư trong thẻ ATM của khách hàng thường nằm trên mức 50 ngàn đồng. Thử tính toán, với khoảng gần 1 triệu thẻ ATM trên địa bàn Đồng Nai, số tiền “đặt cọc” thấp nhất đã vào khoảng 50 tỷ đồng.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị phân tích, thực ra từ trước, các ngân hàng đã thu phí rút tiền trên sáu nhóm đối tượng khách hàng: khách hàng là chủ thẻ ghi nợ (debit) nội địa rút tiền từ máy ATM ngoại mạng; chủ thẻ ghi nợ nội địa rút tiền nội mạng nhưng rút tiền tại máy ATM khác tỉnh, thành và khách là chủ thẻ ghi nợ quốc tế đến Việt Nam và rút tiền tại máy ATM ở Việt Nam; khách hàng là chủ thẻ tín dụng (credit) rút tiền từ máy ATM ngoại mạng; chủ thẻ tín dụng rút tiền nội mạng bất kỳ máy ATM nào - cùng tỉnh, thành hay khác tỉnh, thành; khách là chủ thẻ tín dụng quốc tế đến Việt Nam và rút tiền tại máy ATM ở Việt Nam. Tức là chỉ còn mỗi nhóm đối tượng khách hàng cuối cùng là chủ thẻ ghi nợ nội địa rút tiền nội mạng trong cùng tỉnh, thành. Vậy, sao chỉ lấy đối tượng cuối cùng này ra làm căn cứ so sánh chi phí rút tiền trên máy ATM? Tiền phí thu được từ các đối tượng sử dụng thẻ khác có được liệt kê vào chi phí nói trên?

Cũng theo tờ báo này, không có cái gọi là kinh doanh dịch vụ ATM. Kinh doanh ATM chỉ có thể là giữa các nhà máy chế tạo máy ATM với các ngân hàng; còn đối với các ngân hàng thì máy ATM phải được hiểu là công cụ hỗ trợ dịch vụ bán hàng của các ngân hàng thương mại. Chi phí duy trì hệ thống ATM phải hạch toán vào “Chi phí bán hàng” hoặc “Chi phí quản lý doanh nghiệp”. Chỉ cần hình dung một ngân hàng có địa chỉ giao dịch không hẳn đắc lợi nhưng may mắn sở hữu được một vị trí đặt máy ATM đắc địa mà nhiều người đi đường dễ nhìn thấy và dễ tìm ra thì sức quảng bá thương hiệu ngân hàng đó rất mạnh. Phân tích của ông Tuân cũng bỏ qua điều này, tức là bỏ qua lợi ích về mặt quảng bá thương hiệu cho chính ngân hàng thông qua dịch vụ ATM. Và, đã có lợi ích, thì rõ ràng ngân hàng phải bỏ chi phí, chứ sao lại tận thu người sử dụng thẻ, đồng thời cũng là người tham gia vào việc quảng bá đó?

Điều cuối cùng, thu phí là để có cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng, chưa hề có ràng buộc hay quy định cụ thể nào từ phía Ngân hàng Nhà  nước buộc các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Và chủ thẻ vẫn liên tục than phiền về việc quá tải khi rút tiền, máy hay bị lỗi, thời gian khiếu nại lâu…

Kim Ngân

 

 

 

Tin xem nhiều