Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó hiểu

09:03, 05/03/2013

Nhiều diễn biến gần đây về các chính sách và dự thảo chính sách nhằm quản lý thị trường vàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đang vấp phải sự phản biện từ nhiều phía trong dư luận.

Nhiều diễn biến gần đây về các chính sách và dự thảo chính sách nhằm quản lý thị trường vàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đang vấp phải sự phản biện từ nhiều phía trong dư luận. Mới đây nhất là dự định đấu thầu vàng trong tháng 3-2013 để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới, mà trong mấy tuần qua có khi lên đến 5 triệu đồng/lượng.

Dự tính này của NHNN xem ra khá mâu thuẫn với ý kiến trả lời chất vấn trước Quốc hội cách đây chưa đầy 4 tháng của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Trả lời câu hỏi của các đại biểu rằng tại sao NHNN không bình ổn giá vàng, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và thế giới, Thống đốc đã nói: “Dù chênh lệch giá vàng lớn nhưng không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, tỷ giá nên không ảnh hưởng chỉ tiêu giá cả, lạm phát. Vàng không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI nên không có lý do gì bình ổn giá vàng”!

Bên cạnh đó, bản thân việc đấu thầu này cũng hàm chứa nhiều điều khó hiểu. Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ sáng 4-3, trước câu hỏi “nguyên tắc đấu thầu là ai trả cao sẽ được chọn, vậy làm sao bình ổn giá vàng?”, Phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng giải thích rất… lòng vòng: “Trường hợp doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng vẫn trả giá cao thì NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu đến khi giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới. Có thể đấu thầu một ngày nhiều phiên và đấu thầu nhiều ngày liên tục. Khi thị trường về vùng giá mà NHNN cho rằng phù hợp với giá thị trường, NHNN sẽ ngừng can thiệp để cho thị trường tự mua bán”.

Không hiểu “bám sát giá vàng thế giới” và “vùng giá phù hợp với giá thị trường” mà Phó thống đốc đề cập ở đây có ý nghĩa thế nào? Vì giá vàng thế giới không phải là một con số bí mật, và mục đích của việc can thiệp là để giá vàng trong nước bằng hoặc tương đương so với giá thế giới.

Lý giải khả năng doanh nghiệp đấu thầu thắng, mua được vàng nhưng không bán ra mà ghim hàng lại, ông Phó thống đốc NHNN nói, đã quy định trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng, do đó không thể ghim vàng lại vượt quá trạng thái trên. Điều này có thể hiểu rằng tổ chức tín dụng thì không thể, nhưng doanh nghiệp thì có thể ghim vàng lại nếu muốn? NHNN có cơ chế, nhân lực nào để giám sát điều này?

Rõ ràng, sau Nghị định 24 về Quản lý thị trường vàng, cũng như các chính sách “hậu nghị định”, thị trường đặc biệt này vẫn hết sức rối ren và quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang được “nâng lên, đặt xuống” một cách thiếu công bằng.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều