Một trong những báo cáo thường niên uy tín do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện về tình hình kinh doanh tại Việt Nam là Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 vừa được công bố vào trung tuần tháng 3-2013 tại Hà Nội.
Một trong những báo cáo thường niên uy tín do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện về tình hình kinh doanh tại Việt Nam là Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 vừa được công bố vào trung tuần tháng 3-2013 tại Hà Nội.
Năm nay, Đồng Nai tiếp tục xếp thứ 9 trong 17 tỉnh, thành có chỉ số cao, chỉ đứng sau: Đồng Tháp, An Giang, Lào Cai, Bình Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh. Điều đáng mừng là so với các tỉnh, thành trong khu vực, Đồng Nai vẫn giữ vững vị trí của mình, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... đều tụt hạng. Báo cáo PCI cho thấy, Đồng Nai hiện đứng trên Đà Nẵng (12), TP. Hồ Chí Minh (13), Bình Dương (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (21).
Tuy nhiên, trên bình diện chung, báo cáo PCI cho thấy nhiều điều đáng lo ngại. Thứ nhất, tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng trở nên trầm trọng hơn trong năm qua. Theo VCCI, tâm lý này phổ biến cả ở doanh nghiệp (DN) trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, sự lạc quan về tình hình kinh tế chung của DN đã trượt dần từ mức 76% năm 2006 xuống mức thấp kỷ lục 33% trong năm qua ở cả khối DN trong và ngoài nước.
Điều đáng chú ý thứ hai là điểm số PCI trong năm qua cũng sụt giảm mạnh kể từ năm 2009 đến nay. Theo đó, tỉnh có điểm số thấp nhất giảm từ 59,15 xuống còn 56,2 điểm. Và không có một địa phương nào đạt đến 65 điểm - hiện tượng chưa từng xảy ra trước nay.
Báo cáo này còn chỉ ra điều đáng ngại thứ ba là hiệu quả hoạt động của DN sụt giảm chưa từng thấy. Năm nay, chỉ 6,5% DN cho biết tăng quy mô đầu tư; 6,1% tuyển thêm lao động; chưa đầy 60% DN báo lãi, trong khi 21% báo lỗ. Thêm vào đó, cả quy mô đầu tư lẫn lao động của các DN tham gia điều tra PCI đều đã sụt giảm trong vài năm gần đây. Rõ ràng, không phải chỉ tốc độ tăng trưởng mà cả mức độ tuyển dụng lao động cũng như nguồn vốn tư nhân đều đang giảm sút. Nghiên cứu trên nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng cho thấy, chưa khi nào niềm tin và hiệu quả của nhóm DN này lại thấp đến thế. Chỉ có 33% DN FDI có dự định mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Lợi nhuận, vốn và quy mô lao động cũng thấp hơn các năm trước đó.
Ngoài các chỉ số và ý kiến liên quan đến sức khỏe DN thì một nội dung quan trọng được quan tâm không kém trong nghiên cứu CPI là tham nhũng - dưới góc nhìn của DN trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Báo cáo năm 2012 cho rằng, tuy tham nhũng “vặt” đã giảm bớt, nhưng tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm. Nhóm nghiên cứu PCI đã tính toán được số DN tham gia vào hoạt động phi chính thức này. Nhìn chung, có khoảng 42% DN đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng, tăng mạnh so với năm 2011. Tỷ lệ DN tham gia hối lộ trong mua sắm công rất khác nhau, tùy loại hình, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ… Trong đó, DN quy mô vừa trả hoa hồng nhiều nhất, trong khi DN tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn để phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.
Báo cáo PCI thường niên đã chỉ ra những điều đáng quan ngại dựa trên kết quả điều tra thực tế từ phía DN và chính quyền. Có thể thấy, niềm tin sụt giảm, tỷ lệ tham nhũng và nhận hoa hồng từ phía công chức vẫn rất cao, tiếp tục là những căn bệnh trầm kha dù kinh tế đi lên hay đi xuống.
Kim Ngân