1. Mấy hôm nay, thông tin về sự việc đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước viết bài “bài xích” đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc trên blog cá nhân tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
1. Mấy hôm nay, thông tin về sự việc đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước viết bài “bài xích” đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc trên blog cá nhân tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc ông Hoàng Hữu Phước viết bài “Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ” (tứ đại ngu) cho thấy vấn đề văn hóa ứng xử của vị đại biểu này khá nghiêm trọng và đang bị cộng đồng mạng, các diễn đàn, dư luận và nhiều người lên tiếng chỉ trích gay gắt. Với cách dùng từ phản cảm kiểu như “đại ngu”, “tứ đại ngu”, “loạn ngôn”, “hiếu chiến”, “háo thắng”, “bất tri, vô trí”, loạn hành, loạn trí, “tự làm lộ cho toàn dân biết mình không biết ngoại ngữ trong khi bản thân là một nhà sử học”, “ngậm miệng lại”... mà người đọc không có phản ứng mạnh mẽ mới là lạ.
2. Anh bạn tôi qua vụ việc trên cảm thấy rất bức xúc trước những lời nói của vị đại biểu. Anh bảo, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử với nhau vì nó xảy ra quá nhiều trong cuộc sống. Đơn cử việc cấp trên của ngành anh thường nhắc đi nhắc lại những việc làm sai cũ của cấp dưới hay vị giảng viên trong lớp quản lý anh đang học cứ lồng vào bài giảng những đoạn nói xấu đồng nghiệp, cấp trên của mình với ngôn từ xúc phạm. Không chỉ anh thấy khó chịu mà hầu như ai nghe cũng đều bực mình vì như chính mình bị xúc phạm, không được tôn trọng.
3. Nói đến văn hóa ứng xử, nhiều nhà giáo dục và nhà văn hóa cho rằng: “Văn hóa ứng xử là toàn bộ những nét đẹp truyền thống trong hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ tiếp nhận và tác động trở lại giữa con người với con người, con người với sự vật, giữa con người với thiên nhiên được cộng đồng xã hội chấp nhận, coi đó như là những chuẩn mực”. Còn người xưa thường nhắc nhở, răn dạy con cái: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Mặt khác, văn hóa ứng xử còn là nền tảng tinh thần của xã hội. Có thể nói đây là vấn đề mấu chốt mà khi giao tiếp mỗi người cần ghi nhớ. Đó là ứng xử với nhau phải có văn hóa, giọng điệu tế nhị, ngôn từ lịch sự, lời lẽ chừng mực, tôn trọng lẫn nhau... Vậy nên, văn hóa ứng xử ở mỗi con người cần phải theo những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Hồng Đào