Bản tin trên báo Tuổi Trẻ vào đầu tháng giêng năm 2013 có dẫn số liệu từ báo cáo của một cơ quan Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2012 kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng cần hạn chế nhập khẩu của Việt Nam vẫn rất lớn, thậm chí có một số sản phẩm còn tăng mạnh.
Bản tin trên báo Tuổi Trẻ vào đầu tháng giêng năm 2013 có dẫn số liệu từ báo cáo của một cơ quan Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2012 kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng cần hạn chế nhập khẩu của Việt Nam vẫn rất lớn, thậm chí có một số sản phẩm còn tăng mạnh. Chẳng hạn, Việt Nam đã nhập khẩu điện thoại các loại (gồm điện thoại di động, iPhone...) lên tới 4,47 tỷ USD, tăng trên 70% so với năm 2011. Tính cả năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu lên đến 14,85 tỷ USD, tăng 12,5%. Tờ báo này cũng lưu ý, một số sản phẩm trong nước có thể tự sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng khá mạnh, như nhập khẩu bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 60,6%. Trong năm 2012, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam vẫn đạt gần 28 ngàn chiếc, giá trị 617,4 triệu USD.
Trước đó, một số tờ báo cũng thông tin, hầu như bất kỳ loại xe siêu sang nào được sản xuất, chúng cũng đều được nhập về Việt Nam. Và, nhiều người cũng không ngừng “khoe” túi Prada, trang sức kim cương, giày dép, quần áo hàng hiệu trị giá hàng chục ngàn USD, ở một đất nước mà thu nhập quốc dân mới chỉ vượt qua ngưỡng quốc gia nghèo trên thế giới.
Thoạt đầu, có vẻ những con số trên thật đáng ngạc nhiên, khi đâu đâu trên thế giới, “người ta” cũng kêu ca kinh tế khó, cần cắt giảm khoản này, khoản nọ. Nhưng nếu nhìn vào thực tế tiêu dùng ở Việt Nam, điều này cũng… thường thôi, dù đất nước vẫn được xếp vào còn nhiều khó khăn.
Bởi người ta không còn ngạc nhiên khi “tầng lớp” chưa làm ra tiền, như: sinh viên, học sinh hoặc làm ra rất ít thu nhập, như: công nhân, viên chức… có rất, rất nhiều người “lăm le” những chiếc smartphone trị giá hàng chục triệu đồng. Chỉ để nghe, gọi, lướt web hoặc chơi game. Bao nhiêu người trong số họ thực sự hiểu biết các chức năng của chiếc điện thoại thông minh đó và ứng dụng nó cho công việc, học hành?
Cũng như việc bỏ hàng chục tỷ đồng sắm một chiếc siêu xe. Ngoài tác dụng chứng tỏ túi tiền và khoe sự hào nhoáng bên ngoài, bao nhiêu người tận dụng được các ưu điểm của một chiếc siêu xe? Đơn cử là về tốc độ: sắm siêu xe, vẫn phải ỳ ạch 40-50km/giờ trên những tuyến quốc lộ chật hẹp, đông đúc ở một quốc gia như Việt Nam, hoặc nằm bất động trong những lần kẹt xe hàng km thì thực là uổng phí.
Dẫn tất cả những điều trên để thấy rằng, tiêu tiền có lẽ cũng cần phải học. Dĩ nhiên, những đồng tiền mỗi người làm ra sẽ thỏa mãn chính nhu cầu của người sở hữu. Tuy vậy, chạy đua công nghệ, phô trương thương hiệu… mà không rõ chính bản thân mình cần gì, sử dụng được những chức năng gì ở sản phẩm ấy, âu cũng là một sự thiệt thòi, cần cân nhắc kỹ.
Vi Lâm